Theo bác sĩ (BS) Huỳnh Thị Kim Dung – Giám đốc BV Vạn Hạnh, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng khá cao (khoảng 5%). Bệnh COPD là căn bệnh gây tử vong và tàn tật đứng hàng thứ ba trong số các bệnh lý mạn tính. COPD khiến chức năng phổi xấu dần, liên tục theo thời gian. Điểm quan trọng nhất trong cơ chế gây bệnh là rối loạn thông khí, tắc nghẽn không hồi phục.
Rất nhiều phương thức điều trị đã được áp dụng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có trị liệu nào giúp đảo ngược tiến trình xấu liên tục của bệnh. Vì vậy, chủ yếu là điều trị triệu chứng viêm trong đợt viêm cấp. Việc điều trị bệnh cần được tiến hành liên tục suốt đời.
Bệnh nhân (BN) đầu tiên được ứng dụng tế bào gốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng chính là một nhà nghiên cứu về TBG – thạc sĩ (ThS) Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng TBG Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
ThS Ngọc chia sẻ về căn bệnh, do hút thuốc lá, từ năm 2005, ông bị ho nhiều và khó thở. Năm 2008, ông phải cấp cứu nhiều lần ở nhiều BV và được phát hiện bị COPD giai đoạn IV. “Tôi bắt đầu ghép TBG đợt I vào tháng 11/2013; đợt II vào tháng 5/2015, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Các nghiên cứu lâm sàng của BV Vạn Hạnh trong lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc được thực hiện chính quy, nghiêm túc – kể cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn hành lang pháp lý” – ThS Ngọc nhận định.
Hệ thống phân tích tế bào gốc tại BV Vạn Hạnh – Ảnh: Phùng Huy
Sau thành công trong việc ứng dụng tế bào gốc điều trị bệnh lý khớp gối, nhóm nghiên cứu tế bào gốc BV Vạn Hạnh tiếp tục nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh tự miễn, và hô hấp là lĩnh vực mà nhóm đang hướng tới. ThS-BS Lê Thị Bích Phượng, trưởng nhóm nghiên cứu tế bào gốc Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh cho biết: “Rất nhiều nghiên cứu cơ bản trên thế giới đã triển khai nghiên cứu công nghệ TBG trên mô hình COPD từ những năm 1990. Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng triển khai từ năm 2005 đến nay đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Và, chúng tôi quyết tâm triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh COPD ngày càng gia tăng trong cộng đồng, kéo theo tỷ lệ tử vong và tàn tật cũng gia tăng. COPD là căn bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của BN. Khi BN vào đợt cấp COPD, nếu không thuyên giảm với các thuốc điều trị hằng ngày sẽ phải nhập viện điều trị tích cực”.
Mỗi lần vào đợt cấp, chức năng phổi của BN bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giảm đi một ít, ảnh hưởng đến thời gian sống và chất lượng cuộc sống. Rất nhiều BN giai đoạn nặng của bệnh phải thường xuyên nhập viện, lệ thuộc cung cấp ôxy, không thể thực hiện các sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Trong khi đó, việc điều trị hiện tại chỉ góp phần làm giảm triệu chứng chứ chưa cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như cải thiện chất lượng sống của BN. Điều này đồng nghĩa chức năng hô hấp của BN ngày càng xấu đi và chi phí điều trị cũng sẽ tăng lên.
Cũng theo ThS-BS Phượng, tế bào gốc mà nhóm nghiên cứu sử dụng là tế bào gốc trung mô, một loại tế bào gốc trưởng thành không tạo máu. Nguồn gốc TBG trung mô trong cơ thể rất nhiều: tủy xương, mô mỡ, tủy răng… Trong nghiên cứu này, nhóm đã lấy TBG trung mô từ mô mỡ. Quy trình lấy tế bào gốc mô mỡ đơn giản, ít xâm lấn.
Y văn thế giới khẳng định, tế bào gốc trung mô là loại tế bào gốc có tính an toàn cao, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi ghép như: tạo khối u, sốc, nhiễm trùng, suy cơ quan… Một số nghiên cứu lâm sàng trên thế giới thực hiện trên một số bệnh tự miễn, tế bào gốc trung mô còn được ghép đồng loại tức là tế bào của người này ghép cho người khác để điều trị bệnh. BN sẽ được khám theo đúng tiêu chuẩn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tiêu chuẩn ghép tế bào gốc.
Sau khi thỏa các điều kiện, BN sẽ được hút mỡ. Mỡ được chuyển đến phòng Lab TBG BV Vạn Hạnh để xử lý và tách chiết. Tế bào gốc sẽ được truyền lại cho BN thông qua đường tĩnh mạch. Ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị sinh học, trong khi phương pháp điều trị truyền thống phải dùng thuốc lâu dài, nhiều tác dụng phụ.
https://phunuonline.com.vn/xa-hoi/ung-dung-te-bao-goc-trong-dieu-tri-viem-phoi-tac-nghen-man-tinh-1719/