Thoái hóa khớp gối là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Trước đây, bệnh thường tấn công người già, nhưng nhịp sống bận rộn cùng lối sống kém khoa học ngày nay khiến bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Thoái hóa khớp gối không có cách để chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều biện pháp có thể ngăn ngừa được tiến triển của bệnh. Việc xác định được giai đoạn của bệnh sẽ giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Tổng quan về thoái hoá khớp gối
Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình sinh học và cơ học làm mất cân bằng và hủy hoại đi lớp đệm tự nhiên là sụn và xương dưới sụn, sụn thoái hóa khiến cho xương cọ xát vào nhau làm xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương hốc xương dưới sụn gây sưng đau và cứng khớp, khó cử động.
Một số nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa khớp gối đó là:
– Tuổi tác cao, thường bắt đầu từ 45 tuổi trở lên
– Béo phì, thừa cân
– Bê vác vật nặng, thường xuyên ngồi hoặc đứng quá lâu, không vận động
– Mắc chấn thương khớp gối nhưng không được điều trị dứt điểm
– Viêm khớp do bất kỳ tổn thương hoặc bệnh nào dẫn đến viêm khớp gối.
Các giai đoạn thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối trải qua 4 giai đoạn với cách nhận biết cụ thể như:
Giai đoạn 1
Sụn khớp gối bị thoái hóa trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hoặc khó chịu do sự mài mòn xảy ra giữa các thành phần của khớp là rất ít trong giai đoạn này.
Giai đoạn này người bệnh nên duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng, không hoạt động quá mức ở đầu gối. Duy trì lối sống, ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng tránh thừa cân sẽ làm chậm tiến triển của bệnh.
Giai đoạn 2
Đây được coi là giai đoạn thoái hóa khớp nhẹ. Lúc này, chụp X-quang khớp gối sẽ thấy không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp, và các xương không bị cọ xát với nhau, mặc dù ở giai đoạn này các gai xương nhỏ đã dần hình thành. Đồng thời, bao hoạt dịch được duy trì đủ để giảm ma sát và giữ cho khớp vận động bình thường.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng đầu tiên: đau mỏi khi vận động nhiều, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ hoặc đau khi có các tư thế quỳ/cúi.
Bệnh nhân có thể sử dụng đến các thuốc giảm đau, chống viêm giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Đồng thời nên duy trì lối sống lành mạnh, tập các bài tập tốt cho khớp để tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh khớp.
Giai đoạn 3
Trong giai đoạn này, sụn giữa các xương bắt đầu thu hẹp lại và trên hình ảnh X- quang có thể thấy khe khớp hẹp rõ. Những người bị thoái hóa sụn khớp gối giai đoạn 3 có khả năng bị đau nhức khó chịu trong hoạt động thường ngày như đi bộ, chạy, cúi, quỳ. Cứng khớp cũng có thể xảy ra sau khi ngồi trong thời gian dài hoặc thức dậy vào buổi sáng.
Trong khi đó, hiện tượng sưng, đỏ, đau khớp sẽ xuất hiện nếu người bệnh cử động liên tục trong thời gian dài.
Giai đoạn này người bệnh sẽ điều trị nội khoa dùng thuốc kết hợp thuốc giảm đau chống viêm không steroid với các thuốc bổ trợ khớp cùng với các phương pháp vật lý trị liệu.
Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất của thoái hóa khớp gối. Giai đoạn này không gian giữa các xương bị thu hẹp “nghiêm trọng”. Sụn ở đầu gối gần như bị bào mòn hoàn toàn, khiến khớp xương bị cứng, đầu xương bị biến dạng, bao hoạt dịch bị tổn thương dẫn đến giảm khả năng vận động của khớp.
Khi bệnh đã tiến triển đến thời kỳ này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và khó chịu mỗi khi cử động khớp gối.
Giai đoạn này phương pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu sẽ được áp dụng để ngăn chặn tình trạng viêm, biến dạng khớp, tăng cường khả năng cử động cho khớp.
Lưu ý giúp giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Tập thể dục thường xuyên: Giúp giữ xương không bị cứng và duy trì cơ bắp khỏe mạnh, đồng thời giữ cho các khớp của bạn linh hoạt hơn. Chọn các bài tập nhẹ nhàng cho khớp gối tránh các bài tập lặp đi lặp lại tác động mạnh đến khớp. Nếu bạn bị đau khớp kéo dài 1 đến 2 giờ sau khi hoạt động hoặc tập thể dục, có thể bạn đã luyện tập quá nhiều, cần nghỉ ngơi và chườm đá để giảm đau. Trước khi luyện tập hãy dành 5 đến 10 phút để khởi động bằng các động tác nhẹ nhàng và vươn vai. Điều này giúp ngăn ngừa chấn thương cơ, khớp, dây chằng và gân.
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm áp lực cho khớp gối: Theo một nghiên cứu trên tạp chí Radiology, nếu bạn đang thừa cân, giảm cân có thể làm giảm đau đầu gối và thậm chí làm chậm tốc độ thoái hóa sụn. Thừa cân gây căng thẳng quá mức lên các khớp.
Không ngại khi sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khớp gối: Các dụng cụ này đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm đau nhức xương khớp đầu gối duy trì sự ổn định, giảm áp lực lên khớp khi di chuyển và hạn chế các tổn thương giúp bạn giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa chấn thương.
Không nên bỏ qua các triệu chứng của thoái hóa khớp gối, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa khớp gối bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán tình trạng thoái hóa khớp từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp và hiệu quả cho tình trạng hiện tại của bạn.
Xem thêm: Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng & điều trị
Với đội ngũ chuyên gia Cơ xương khớp chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong Điều trị Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã thăm khám và điều trị thành công cho hàng triệu ca bệnh lý cơ xương khớp, trong đó có tình trạng thoái hóa khớp gối.