Đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cho biết dự kiến số lượng công nhân Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc xin trong ngày đầu tiên khoảng hơn 400 người. Trung tâm Y tế TP Thủ Đức đã huy động 5 đội tiêm chủng (mỗi đội 5 người) và dự kiến tiêm trong vòng một buổi là hoàn tất.
Trước đó, ngành y tế đã có thông báo cho các đơn vị thuộc nhóm ưu tiên và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao lập danh sách đối tượng tiêm (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, nơi làm việc).
Các nhóm làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được thông báo ưu tiên đăng ký tiêm gồm: người tiếp xúc với các trường hợp F1 sau khi hết cách ly; người sinh sống tại các vùng có người mắc bệnh hoặc từ nơi có ổ dịch về; lãnh đạo các cơ sở sản xuất, các phân xưởng, bộ phận; người giao hàng, cung cấp hàng hóa và một số đối tượng làm công tác dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, phục vụ suất ăn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các bệnh lý cần lưu ý khi tiêm
Theo Bộ Y tế, AstraZeneca là loại vắc xin mới và đã có một số phản ứng không mong muốn xảy ra. Do đó, việc khám sàng lọc trước khi tiêm rất cần thiết. Có khoảng 15 nhóm được Bộ Y tế xếp vào diện phải trì hoãn hoặc cẩn trọng khi tiêm vắc xin.
Cụ thể: người mắc bệnh cấp tính, ung thư giai đoạn cuối, người đang điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị trong 14 ngày trước, người đã tiêm vắc xin khác trong 14 ngày trước, người mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, người trên 65 tuổi giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu…
Ngoài ra, Bộ Y tế còn khuyến cáo một số bệnh lý mà nhân viên tiêm chủng cần cẩn trọng khi tiêm như với người có tiền sử dị ứng với thành phần của vắc xin, người có bệnh nền nặng, bệnh mãn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi và mắc các bệnh mãn tính có dấu hiệu bất thường dấu hiệu sống (mạch, huyết áp, nhịp thở…). Đặc biệt lưu ý với người đã phản ứng phản vệ từ độ 2 trở lên trong lần tiêm trước thì không tiêm mũi kế tiếp.
Bộ Y tế cho biết sau khi tiêm vắc xin này sẽ có khoảng 30% người gặp các phản ứng nhẹ như sốt, tiêu chảy, đau tại chỗ tiêm… Có khoảng 0,1% có phản ứng nặng hơn: phù mạch tại vị trí tiêm, kẹt huyết áp, sốc phản vệ. Bộ Y tế khuyến cáo khi có các phản ứng này, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
Theo 1 phần của tuổi trẻ