Đau các khớp ngón tay, khớp sưng to, đau khi nắm tay… gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng như công việc của bạn. Tình trạng đau khớp ngón tay có thể xảy ra do chấn thương, ăn uống thiếu chất, sử dụng các khớp ngón tay quá nhiều hoặc là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi bị đau nhức khớp ngón tay, người bệnh không nên chủ quan mà hãy kiểm tra càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời.
Đau khớp ngón tay diễn ra như thế nào?
Khớp ngón tay là một trong những khớp chuyển động có vai trò đặc biệt quan trọng. Khớp nối của các ngón tay đảm nhận nhiều chức năng như cầm, nắm, kéo, gõ bàn phím…Cũng chính sự đa năng này khiến các khớp ngón tay làm việc quá sức dẫn đến viêm bao khớp, thoái hóa khớp… và các triệu chứng phổ biến khác như:
- Đau khớp âm ỉ, khó chịu tại các khớp
- Cứng khớp: người bệnh có khó thể co duỗi các khớp, nhất là vào buổi sáng
- Sưng hoặc tấy đỏ tại một hay nhiều khớp
- Xuất hiện tiếng kêu lục cục
- Nóng ran tại các khớp, hạn chế tầm hoạt động của ngón tay và bàn tay
- Có dấu hiệu tê cứng các ngón
Các nguyên nhân gây đau khớp ngón tay là gì?
Đau nhức các khớp ngón tay có thể do những nguyên nhân sau đây:
- Viêm đa khớp dạng thấp: là một trong những dạng viêm xương khớp phổ biến nhất. Người bệnh bị đau khớp đột ngột, các khớp sưng đỏ, kèm theo tình trạng sốt nhẹ. Viêm khớp dạng thấp có thể tấn công các khớp trên toàn cơ thể, nhưng thường gặp là khớp và các gân xung quanh cổ tay và ngón tay. Hai bàn tay trở nên yếu, run rẩy, mất sức và không thể cầm nắm như bình thường.
- Viêm, thoái hóa khớp: vô căn hoặc xảy ra sau một chấn thương. Vị trí thoái hóa khớp thường ở khớp bàn đốt, liên đốt đặc biệt hay gặp ở khớp liên đốt xa. Bệnh gây sưng, đau các khớp ngón tay, khớp cứng lại, khó cầm nắm thường gặp ở người cao tuổi.
- Thiếu hụt canxi: Khi lượng canxi trong cơ thể bị thiếu hụt nghiêm trọng sẽ dễ dẫn đến tình trạng loãng xương. Lúc này, phần xương khớp ở ngón tay kém chắc khỏe, tạo thành các gai xương, dẫn đến tình trạng tê cứng, đau khớp ngón tay. Thiếu canxi còn khiến cơ bắp co quắp, làm triệu chứng đau nặng hơn.
- Loạn dưỡng cơ: Bệnh di truyền khiến cho các sợi cơ bị tổn thương, xương khớp cũng suy yếu dần và dẫn đến tình trạng đau các khớp ngón tay. Bệnh thường gặp phải ở người trung niên và cao tuổi, phụ nữ phổ biến hơn đàn ông.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây là căn bệnh thường gặp ở nhân viên văn phòng, những người phải thao tác liên tục với bàn phím và chuột điều khiển máy vi tính sử dụng cổ tay trong thời gian dài; những người bị chấn thương cổ tay, gãy đầu dưới xương cẳng tay, di lệch. Bệnh xảy ra khi dây thần kinh đi qua ống cổ tay bị chèn ép do ống cổ tay hẹp, ảnh hưởng tới ngón tay cái và ba ngón tay giữa. Triệu chứng gồm đau tê ngón tay, sưng ngón tay, khó cầm nắm đồ vật do khớp ngón tay bị cứng lại.
- Hội chứng viêm bao gân De Quervain: là chứng sưng viêm, đau ở các gân dọc theo bên ngón cái của cổ tay do hoạt động quá mức. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như đau khớp cổ tay, cẳng tay và đau các khớp ngón tay cái. Bệnh phổ biến ở các bà nội trợ, những người thường nấu ăn, làm vườn, dọn dẹp,…
- Viêm bao gân gập các ngón tay: gây khó khăn khi gập duỗi các ngón tay làm đau ngón tay hay còn gọi là ngón tay cò súng, nhiều nhất vào buổi sáng.
- Ngoài ra, đau các khớp ngón tay cũng có thể là do một số các bệnh lý khác như Gout, Hội chứng Raynaud, Lupus,…
- Chấn thương: Những chấn thương ở bàn tay xảy ra do té ngã, gặp tai nạn khi chơi thể thao hoặc tai nạn lao động dễ khiến cho gãy xương ngón tay, trật khớp ngón tay, rách cơ, bong gân khiến cho phần sụn khớp bị tổn thương và dẫn đến đau các khớp ngón tay.
Khi nào đau khớp ngón tay cần đến bác sĩ?
Tình trạng đau khớp có thể do các nguyên nhân nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời, vì vậy bạn nên đến thăm khám với bác sĩ nếu:
- Tê bì ở ngón tay hoặc bàn tay.
- Khó cử động gập hoặc duỗi ngón tay.
- Ngón tay thể sưng đỏ.
- Tình trạng sưng, đau vẫn không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau.
Chẩn đoán và điều trị bệnh lý liên quan đến đau khớp ngón tay
Để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả cho từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ dựa vào các chẩn đoán cận lâm sàng và lâm sàng để xác định được nguyên nhân gây bệnh, sau đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Chẩn đoán lâm sàng
Khai thác tiền sử bệnh như bệnh viêm khớp, chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và một số bệnh lý liên quan.
Kiểm tra hiệu ứng động cơ như mức độ căng cứng, độ bám, khả năng vận động, phạm vi chuyển động của người bệnh.
Kiểm tra cảm giác như sưng, đau, nhức, đỏ viêm xung quanh những khớp ngón tay.
Kiểm tra các động tác làm tăng hoặc giảm triệu chứng đau, cứng khớp.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Sau khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số kỹ thuật và xét nghiệm. Điều này giúp bác sĩ xác định chính xác về tình trạng và tiến triển bệnh của mỗi người bệnh, từ đó chỉ định thuốc và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Những kỹ thuật và xét nghiệm có thể được chỉ định sau khi bác sĩ thăm khám lâm sàng gồm:
- Chụp X-quang: Xét nghiệm hình ảnh này được thực hiện để kiểm tra mức độ tổn thương và những bất thường tại khớp và xương. Ngoài ra, kết quả X-quang còn cho phép bác sĩ kiểm tra gai xương, biến dạng khớp, kiểm tra lượng sụn bị mòn, lượng sụn còn lại của người bệnh.
- Chụp MRI: Kỹ thuật chẩn đoán này tạo hình ảnh chi tiết về cấu trúc khớp, xương và mô mềm. Qua đó, bác sĩ dễ dàng xác định chính xác vị trí tổn thương, loại tổn thương, mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Xét nghiệm máu: Để phân biệt giữa các bệnh thoái hóa khớp, gout, viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn dịch khác.
- Siêu âm, đo điện cơ,..
Điều trị
- Các biện pháp kiểm soát tại nhà: Chườm nóng, chường lạnh, nghỉ ngơi, tránh vận động khớp nhiều.
- Điều trị nội khoa: người bệnh được sử dụng các loại thuốc uống, thuốc tiêm giảm đau nhức ở các khớp, đồng thời ngăn ngừa và kiểm soát mức độ viêm sưng hiệu quả.
- Phẫu thuật: trong các trường hợp hội chứng ống cổ tay, chèn ép thần kinh giữa mức độ nặng hoặc rất nặng, viêm bao gân,.. điều trị nội khoa không hiệu quả.
- Vật lý trị liệu: Bên cạnh điều trị nội khoa người bệnh nên tập các bài tập vật lý trị liệu là duy trì khả năng vận động, sự linh hoạt cho các khớp bàn tay, ngón tay, đồng thời kiểm soát cơn đau, hạn chế tình trạng cứng khớp. Tập vật lý trị liệu đều đặn còn giúp người bệnh tăng cường sức cơ, ổn định cấu trúc khớp và mô mềm, tăng tầm vận động bàn tay, ngón tay, dễ cầm nắm đồ vật hơn.
Khoa Chấn thương chỉnh hình cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được trang bị hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại giúp phát hiện sớm các tổn thương cơ xương khớp, và điều trị hiệu quả tình trạng của từng người bệnh.
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh