Thoái hóa khớp gối là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất, bệnh gây ra các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động bình thường. Nghiên cứu y học đã chỉ ra, có đến 80% trường hợp bị thoái hóa khớp gặp khó khăn khi vận động và 25% trường hợp bị mất đi khả năng vận động bình thường. Thậm chí biến chứng nặng của bệnh còn dẫn đến tàn phế.
Thoái hóa khớp gối là gì
Thoái hóa khớp gối (OA) hay thoái hóa sụn khớp là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn. Khi tình trạng này xảy ra, xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn kèm theo viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn tại các khớp. Điều này khiến việc cử động của các khớp cũng bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng đau và cứng khớp, giảm khả năng di chuyển.
Thoái hóa khớp bao gồm thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát:
- Thoái hóa khớp nguyên phát là thường gặp ở người cao tuổi.
- Thoái hóa khớp thứ phát là tình trạng thoái hóa do bệnh lý, nhiễm trùng, chấn thương bất thường sụn khớp chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp (RA).
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp xảy ra khi quá trình tái tạo và thoái hóa sụn khớp bên trong cơ thể bị mất cân bằng. Quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn khiến cho lớp đĩa đệm và sụn tại khớp bị hao mòn, gây ra các tổn thương ở hai đầu xương. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp như:
- Tuổi tác: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp. Tuổi tác càng cao thì quá trình lão hóa diễn ra tự nhiên bên trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng, hệ thống xương khớp bên trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng và suy yếu dần. Thông thường, bệnh thường gặp nhất là những người ngoài độ tuổi 40.
- Thừa cân béo phì: Thừa cân béo phì sẽ khiến trọng lượng cơ thể gây áp lực lên khớp gối. Trong thời gian dài sẽ khiến khớp và hệ thống dây chằng bị tổn thương, gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Chấn thương: Luyện tập thể dục thể thao quá độ hoặc không đúng cách gây chấn thương tại các khớp. Nếu người bệnh không tiến hành điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ khiến cho quá trình thoái hóa diễn ra nhanh chóng hơn so với bình thường.
- Tư thế làm việc, ngồi, nằm sai tư thế đều có tác động tiêu cực đến hệ thống xương khớp, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, nếu tính chất công việc của bạn phải thường xuyên mang vác vật nặng, hoặc phải ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu sẽ khiến cho việc lưu thông máu đi nuôi dưỡng khớp bị cản trở từ đó chúng dễ bị suy yếu và tổn thương hơn.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp khá phổ biến. Đặc biệt, khi cơ thể thiếu hụt các nguyên tố như canxi, glucosamine và chondroitin sẽ khiến cho mật độ xương giảm dần, từ đó khiến cho hệ thống sụn khớp dễ bị bào mòn và thoái hóa.
- Do mắc các bệnh lý: Thoái hóa khớp cũng có thể là hậu quả của một số bệnh lý xương khớp như loãng xương, viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp,…
- Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên thì bệnh thoái hóa khớp cũng có thể xảy ra do một số yếu tố khác như di truyền, dị tật bẩm sinh tại khớp,…
Những triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối
- Đau nhức: Là triệu chứng thường gặp nhất khi bị thoái hóa khớp. Khi ở giai đoạn nhẹ, các cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh vận động khớp và biến mất nhanh chóng sau đó, lâu dần sẽ thành các cơn đau nhức dữ dội và kéo dài.
- Cứng khớp: Cứng khớp là dấu hiệu thường đi kèm theo các cơn đau. Đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy các khớp bị đau sẽ không thể cử động, tình trạng này sẽ giảm dần nếu người bệnh nghỉ ngơi sau khoảng 30 phút. Nêu bệnh kéo dài thì triệu chứng cứng khớp sẽ dài dai dẳng, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
- Xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi cử động: Thoái hóa khớp là tình trạng sụn và đĩa đệm ở giữa hai đầu xương bị mòn, dịch nhầy bôi trơn cũng giảm dần. Khi người bệnh di chuyển, các đầu xương cọ xát vào nhau và phát ra tiếng kêu lạo xạo kèm theo đau nhức dữ dội.
- Vận động khó khăn: Khớp bị thoái hóa dẫn đến việc khả năng vận động của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện một số tư thế thông thường như cúi sát đất, quay cổ,…
- Teo cơ, sưng tấy và biến dạng: Nếu thoái hóa khớp diễn ra trong thời gian dài và không có biện pháp can thiệp đúng cách sẽ gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn như sưng tấy gây biến dạng các khớp bị tổn thương, cũng như vùng cơ xung quanh khớp tổn thương không được vận động trong thời gian dài sẽ gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục,…
Ai có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối
Những trường hợp có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối gồm:
- Người trong độ tuổi từ 45 – 60 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do lão hóa tự nhiên của cơ thể khiến hệ thống xương khớp xuống cấp.
- Giới tính: Tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở nữ cao hơn nam, khoảng 13% phụ nữ và 10% nam giới từ 60 tuổi trở lên có triệu chứng thoái hóa khớp gối. Trong số những người trên 70 tuổi, tỷ lệ này tăng lên đến 40% (1)
- Người làm công việc lao động nặng, với mức độ thường xuyên và liên tục: thợ xây, bốc vác hàng hóa, vận chuyển…
- Người từng bị va đập mạnh dẫn đến chấn thương trong quá trình chơi thể thao, bị ngã, tai nạn giao thông…
- Người thừa cân, béo phì.
- Người bị dị dạng xương khớp bẩm sinh.
- Người thường xuyên ăn uống thiếu chất hay lười vận động…
Điều trị thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp gối bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Các phương pháp thường được bác sĩ áp dụng để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp là:
- Chụp X-Quang
- Chụp cộng hưởng từ
- Nội soi khớp
- Siêu âm khớp
Trên cơ sở chẩn đoán bệnh, tùy vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và tập luyện đúng phương pháp để tránh tình trạng cứng khớp và teo cơ, tuân thủ chế độ ăn đầy đủ chất, bổ sung canxi và khoáng chất.
- Trong trường hợp người bệnh thừa cân – béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân khoa học.
- Điều trị khớp gối bằng phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, điện châm, thủy châm, cấy chỉ.
- Điều trị bằng thuốc
- Tiêm chất nhờn
- Liệu pháp tế bào gốc
- Phẫu thuật/thay khớp gối
Khi thấy bản thân có các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp gối, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tiến hành thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh từ đó được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bài tiếp theo: Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh Viện Đa khoa Vạn Hạnh
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh