BS CK1 Trần Minh Khôi
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh
Nhiều người trong chúng ta vì một lý do nào đó được xét nghiệm máu kiểm tra và được thông báo là đã bị nhiễm virus gây bệnh viêm gan C thì thường tỏ ra lo sợ vì nghe nói bệnh dẫn đến xơ gan, ung thư gan và có thể lây lan cho người khác…
Vậy viêm gan C mạn là gì? Bệnh này có nguy hiểm không? Bệnh có chữa được không?
Viêm gan C mạn là căn bệnh mạn tính gây ra tổn thương cho gan do một loại virus (hay còn gọi là siêu vi) gây nên, sở dĩ bệnh được đặt tên là viêm gan C vì các nhà khoa học cho tới nay đã phát hiện được nhiều loại virus có thể gây viêm gan và chúng được đặt tên theo các chữ cái A, B, C, D, E…. Virus viêm gan C có thể gây viêm gan cấp tính hoặc mạn tính. Viêm gan cấp tính là tình trạng viêm gan kéo dài dưới 6 tháng và cơ thể có thể loại trừ được virus, còn viêm gan mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài trên 6 tháng và có thể kéo dài suốt đời . Bệnh viêm gan C mạn tính nghiêm trọng hơn viêm gan C cấp tính, do đó cần phải được điều trị đặc hiệu để ức chế hoặc loại trừ virus ra khỏi cơ thể.
Virus viêm gan C có thể lây lan cho chúng ta bằng cách nào?
Virus thường lây qua đường máu, như máu từ vết thương, máu cam hay thậm chí là máu kinh nguyệt của bệnh nhân nhiễm siêu vi C. Với một lượng máu rất nhỏ nói trên dính vào các vật dụng hằng ngày như dao cạo, dụng cụ cắt móng tay, bàn chải đánh răng vv… cũng có thể mang đủ lượng siêu vi để lây cho người khác. Việc lây lan là tình cờ nên nhiều bệnh nhân không tìm ra được nguyên nhân tại sao họ bị nhiễm virus viêm gan C. Siêu vi viêm gan C lây chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm virus như bệnh nhân được truyền máu hay những sản phẩm của máu hay được ghép cơ quan người cho mà máu của người cho đã nhiễm siêu vi viêm gan C hoặc bệnh nhân có mẹ bị nhiễm siêu vi C trước lúc sanh bệnh nhân và có thể đã lây cho họ lúc sanh , ngoài ra bênh nhân có thể chính là nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc với máu của bệnh nhân hoặc bị tai nạn nghề nghiệp do kim tiêm đâm phải hoặc bệnh nhân là người có quan hệ tình dục với người nhiễm siêu vi C hay bệnh nhân là người sống chung nhà với người đã nhiễm siêu vi C và dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng vv… `
Bệnh viêm gan C diễn biến ra sao?
Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt, một số khác có biểu hiện mệt mỏi chán ăn, buồn nôn, có thể có vàng da vàng mắt, nước tiểu đậm màu trong trường hợp nhiễm virus cấp tính. Khoảng 85% trường hợp nhiễm virus viêm gan C sẽ chuyển thành viêm gan mạn tính, nguyên nhân là cơ thể người bệnh không đào thải được virus sau 6 tháng. Đặc biệt nổi bật của viêm gan C mạn tính là sự tiến triển thầm lặng của bệnh gan qua 10-30 năm mà không có triệu chứng gì đặc biệt, vì vậy người bệnh dễ chủ quan dẫn đến không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện khi đã có biến chứng nặng như xơ gan hoặc ung thư gan. Khi gan đã xơ hóa thì gan khó phục hồi trở lại cho dù tình trạng viêm gan có thuyên giảm do đó người bệnh cần phải được kiểm tra để được phát hiện sớm và điều trị sớm bệnh viêm gan C mạn nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.
Vậy cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh viêm gan C mạn?
Xét nghiệm men gan (SGOT, SGPT) để biết tình trạng gan hiện tại có bị tổn thương hay không. Xét nghiệm tìm kháng thể kháng siêu vi C (Anti HCV), kháng thể này dương tính trong hầu hết các trường hợp. Các xét nghiệm chức năng gan khác có thể bất thường tùy mức độ và thời gian bị bệnh. Xét nghiệm phát hiện trực tiếp siêu vi trong máu (HCV RNA) đồng thời định danh chủng loại virus giúp người thầy thuốc quyết định điều trị hay không, quyết định phác đồ điều trị nào thích hợp và tiên đoán đáp ứng của điều trị.
Những người nào cần được xét nghiệm để tầm soát nhiễm virus viêm gan C (Anti HCV)?
đó là những người dùng ma túy qua đường tiêm chích, những người được truyền máu từ trước năm 1989, thời điểm phát hiện ra virus viêm gan C, những bệnh nhân được chạy thận nhân tạo lâu dài, những người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh gan như vàng mắt vàng da, nước tiểu vàng kéo dài, đau bụng âm ỉ vùng mạn sườn phải, những người làm công tác y tế, những người được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm virus viêm gan C…
Cách thức điều trị cho bệnh nhân viêm gan C hiện nay là giúp loại trừ virus ra khỏi cơ thể hoặc giữ virus trong tầm kiểm soát. Việc điều trị sớm trước khi lượng virus tăng quá cao trong máu càng có nhiều cơ hội tốt cho bệnh nhân. Hiện nay, mặc dù chưa có vaccine phòng bệnh nhưng bệnh viêm gan C đã có thể chữa khỏi. Một tin vui cho bệnh nhận mắc bệnh viêm gan C là phác đồ điều trị bệnh mới nhất được bộ y tế ban hành với sự ra đời của các thuôc kháng virus trực tiếp hiệu quả điều trị tới hơn 90%. So với các thuốc thế hệ trước như Interferon hay Ribavirin, bệnh nhân phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc như sốt cao; rụng tóc; nôn mửa; biến chứng tim mạch, thần kinh… Các thuốc thế hệ mới này hầu như rất ít tác dụng phụ và rất an toàn cho bệnh nhân.
Chế độ ăn cho bệnh nhân viêm gan C mạn tính như thế nào là hợp lý? Một chế độ ăn cân đối, giảm chất béo, tránh dùng rượu sẽ giúp mang lại năng lượng và duy trì thể trạng tốt cho bệnh nhân viêm gan C mạn. Nhu cầu đạm cho người bệnh cần được cung cấp khoảng từ 1-1.5g cho mỗi kg thể trọng là vừa đủ cho việc tân sinh tế bào gan ở những người không bị xơ gan.
Tóm lại, viêm gan C mạn là căn bệnh mạn tính diễn tiến rất thầm lặng vì người bệnh vẫn tỏ ra khỏe mạnh bình thường nên dễ mất cảnh giác, khi bệnh diễn biến qua xơ gan hoặc ung thư gan thì tiên lượng rất xấu do đó người bệnh cần được sự tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa và có hướng điều trị kịp thời trước khi quá muộn.