Xơ gan đôi khi được gọi là bệnh gan giai đoạn cuối. Điều này đơn giản có nghĩa là nó xảy ra sau các giai đoạn tổn thương khác có thể bao gồm viêm (viêm gan), lắng đọng chất béo (nhiễm mỡ) và tăng độ cứng và sẹo nhẹ ở gan của bạn (xơ hóa).
Xơ gan gây ra khoáng 26000 ca tử vong mỗi năm ở Hoa Kỳ, đây là bệnh thường gặp ở người trưởng thành. Bệnh gan nếu được phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp có thể làm chậm và ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
Các đối tượng nguy cơ mắc xơ gan cao
Những trường hợp có nguy cơ mắc xơ gan cao có thể kể đến như:
- Sử dụng rượu liều lượng nhiều trong thời gian dài.
- Bị viêm gan siêu vi B, siêu vi C
- Bị tiểu đường.
Thừa cân, béo phì .
- Rối loạn tích tụ sắt và đường trong cơ thể (bệnh hemochromatosis và bệnh Wilson)
- Có tiền sử bệnh gan, người bệnh viêm gan tự miễn.
- Có quan hệ tình dục không được bảo vệ dẫn đến nhiễm trùng như giang mai hoặc brucellosis.
- Sử dụng thuốc không đúng liều lượng, tự ý sử dụng thuốc như methotrexate, isoniazid,…
Các giai đoạn của bệnh xơ gan
Xơ gan bao gồm 4 giai đoạn (1):
Trong giai đoạn 1, xơ gan rất nhẹ nên các bác sĩ thường khó phát hiện. Triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi. Gan vẫn có thể phục hồi trong giai đoạn này, bệnh nhân xơ gan giai đoạn 1 có tỷ lệ sống sót sau 1 năm là 99%.
Trong giai đoạn 2, mô sẹo ngày càng tích tụ trong gan, thay thế các tế bào gan. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm cho bệnh xơ gan dễ chẩn đoán hơn. Ở giai đoạn này, vẫn có thể hồi phục một phần xơ gan. Tỷ lệ sống sót sau một năm đối với bệnh nhân ở giai đoạn 2 là 98%.
Trong giai đoạn 3, chất lỏng tích tụ trong khoang bụng, bụng người bệnh lớn dần (còn gọi là cổ trướng). Các triệu chứng lâm sàng trở nên rõ ràng, bao gồm ăn không ngon, sụt cân, vàng da, mệt mỏi, ngứa, phù mắt cá chân,… Được chẩn đoán ở giai đoạn 3, tỷ lệ sống sót sau 1 năm là 80%. Ở giai đoạn 3, có thể đề nghị ghép gan, 80% bệnh nhân được cấy ghép sẽ sống sót sau ca phẫu thuật hơn 5 năm.
Trong giai đoạn 4, một lượng lớn mô sẹo đã hình thành. Cấu trúc của mô sẹo đã tạo ra nguy cơ vỡ trong gan. Điều đó có thể gây chảy máu trong và đe dọa tính mạng ngay lập tức, có thể xuất hiện các bệnh lý não, gan, lú lẫn, hôn mê. Đối với xơ gan giai đoạn 4, khoảng 43% bệnh nhân sống sót sau 1 năm.
Các dấu hiệu sớm của bệnh xơ gan cần biết
Với xơ gan giai đoạn sớm, thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi mô sẹo tích tụ, nó làm suy yếu khả năng hoạt động bình thường của gan.
Một số dấu hiệu ban đầu của bệnh xơ gan mà bạn có thể nhận thấy bao gồm:
- Ăn mất ngon.
- Cảm thấy không khỏe và mệt mỏi thường xuyên
- Buồn nôn và nôn
- Sốt
- Chướng bụng
- Giảm cân đột ngột.
- Rối loạn giấc ngủ
Xơ gan tiến triển, các triệu chứng được biểu hiện rõ ràng hơn:
- Da dễ bầm tím và chảy máu.
- Da hoặc tròng trắng mắt có màu vàng ( vàng da ).
- Ngứa da.
- Sưng ( phù nề ) ở chân, bàn chân và mắt cá chân.
- Sưng bụng ( cổ trướng ).
- Nước tiểu có màu hơi nâu hoặc cam.
- Phân có màu nhạt hoặc màu rất đậm, có máu trong phân
- Lú lẫn, khó suy nghĩ, giảm trí nhớ, thay đổi tính cách.
- Ngực, lòng bàn tay đỏ có các đốm đỏ từ mạch máu dưới da trông giống như mạng nhện (telangiectasias), còn gọi là sao mạch.
- Ở nam giới: giảm ham muốn tình dục, teo tinh hoàn.
- Ở nữ giới: mãn kinh sớm (không còn kinh nguyệt).
Ở giai đoạn xơ gan còn bù, bệnh nhân vẫn có thể có tuổi thọ tương đối dài, tương đương người bình thường nếu được phát hiện sớm và tuân thủ tốt. Nếu thực hiện đúng đắn các chiến lược theo dõi và phòng ngừa thích hợp, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân xơ gan còn bù vẫn được duy trì và trì hoãn hoặc ngăn ngừa nhiều biến chứng nghiêm trọng liên quan đến xơ gan.
Chẩn đoán xơ gan
Do giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng, vì vậy nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bạn nên đến bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán xơ gan có thể được thực hiện bằng các phát hiện lâm sàng: tiền sử gia đình, tình trạng lạm dụng rượu trong thời gian dài, tiền sử bệnh gan,..
Một số xét nghiệm cũng sẽ được thực hiện để kiểm tra mức độ tổn thương gan gồm:
Xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh siêu âm gan, siêu âm đàn hồi mô CT, MRI để tìm các dấu hiệu phì đại, sẹo hoặc nốt sần. Co thể sinh thiết gan để kiểm tra mức độ tổn thương gan và có khả năng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh (phương pháp này hiện nay ít dùng).
Phòng ngừa xơ gan tiến triển
- Kiêng hoàn toàn rượu, bia
- Chế độ ăn uống đa dạng ít thực phẩm chế biến và chất béo
- Duy trì chế độ ăn uống và tập luyện phòng ngừa béo phì
- Người bệnh nhiễm độc gan do thuốc: liều lượng và lựa chọn thuốc cẩn thận
- Tiêm phòng vacxin viêm gan cho trẻ em và người lớn chưa mắc bệnh
- Đối với người đã mắc viêm gan mãn tính nên theo dõi định kỳ 3 – 6 tháng một lần
Những tổn thương gan do xơ gan gây ra thường không thể phục hồi được. Nhưng nếu bệnh xơ gan được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể hạn chế được tổn thương. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy để được hỗ trợ chính xác.
Bên cạnh đó, nên chủ động thăm khám sức khỏe hàng năm để chủ động phòng tránh và điều trị xơ gan cũng như các bệnh lý khác.
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh