Gout là một bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến sự tích tụ axit uric trong cơ thể. Vì vậy, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Hình ảnh minh hoạ. Nguồn: BVĐK Vạn Hạnh.
1. Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn uống
Hạn chế dung nạp purine: Purin là chất khi phân giải sẽ tạo ra axit uric. Các thực phẩm giàu purin cần hạn chế là thịt đỏ (bò, dê, lợn…), hải sản (như cá mòi, cá trích, tôm, cua, sò, nghêu, mực, cá hồi) và nội tạng động vật (cật, gan).
Kiểm soát lượng đường fructose dung nạp vào cơ thể: Dung nạp dư thừa đường fructose cũng là yếu tố khiến bệnh gút tiến triển nhanh do tăng mức axit uric. Do đó, cần hạn chế các loại thực phẩm giàu fructose như táo, lựu, dứa, nho…
Hạn chế dung nạp carbohydrate tinh chế: Theo nghiên cứu, giảm mức đường huyết có thể giúp giảm mức axit uric máu, hỗ trợ kiểm soát bệnh gút. Do đó, thực đơn cho người bị gút nên hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế như gạo trắng, bún trắng và bột mì, vì những thực phẩm này có thể làm tăng đường huyết.
Hạn chế dung nạp cồn: Tiêu thụ cồn có thể khiến khả năng đào thải axit uric ở thận bị suy giảm, khiến nồng độ chất này trong máu tăng cao, thúc đẩy bệnh gút phát triển.
Kiểm soát khối lượng tiêu thụ protein: Dung nạp protein quá mức có thể là tác nhân khiến bệnh gout tiến triển nhanh. Bởi axit uric có thể được sản sinh trong quá trình hấp thu và chuyển hóa lượng protein dư thừa của cơ thể. Do đó, chế độ dinh dưỡng của người bệnh gút cần kiểm soát lượng protein ở mức phù hợp, ưu tiên dung nạp các loại thực phẩm giàu protein chất lượng cao, ít chất béo bão hòa và ít purin như các loại đậu, hạt, thịt ức gà bỏ da, phi lê các loại cá nước ngọt (cá basa, cá lóc, cá hú…)…
Tăng cường bổ sung chất chống oxy hóa và chất xơ: giúp kiểm soát triệu chứng viêm khớp, mà còn góp phần làm giảm nguy cơ khởi phát các biến chứng như về tim mạch, gan và thận… ở người bệnh gút. Chất chống oxy hóa có nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây họ cam quýt, các loại quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi…), trà xanh…
2. Thực phẩm nên có trong thực đơn cho người bệnh gout
2.1. Rau xanh
Nhờ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa và chất xơ cao, tiêu thụ rau xanh có thể giúp làm dịu các đợt gút cấp tính, hạn chế biến chứng nguy hiểm. Trong đó, các loại rau xanh thuộc họ cải như bắp cải, cải xanh, cải bó xôi, bông cải xanh… đặc biệt có lợi cho sức khỏe của người bệnh gút nhờ giàu chất xơ, folate, vitamin C và sở hữu chất chống oxy hóa mạnh mẽ sulforaphane.
– Các loại rau xanh: Cải xanh, cải bó xôi (ăn vừa phải), bông cải xanh, bắp cải, cà rốt, bí đỏ, dưa leo, mướp.
– Củ quả: Khoai tây, khoai lang, bí đao.
– Nấm ít purin: Nấm kim châm, nấm đùi gà.
2.2. Sữa và sản phẩm từ sữa ít béo
Bên cạnh protein, các loại sữa ít béo còn cung cấp nhiều magie, canxi, vitamin K, vitamin D giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và hỗ trợ cải thiện bệnh gút hiệu quả.
– Sữa ít béo: Sữa tươi không đường, sữa chua không đường, phô mai ít béo.
– Sữa hạt: Sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa óc chó (không đường).
2.3. Các loại đậu
Không chỉ chứa chất xơ, các loại đậu như đậu đen, đậu gà, đậu ngự, đậu nành, đậu xanh… còn cung cấp hàm lượng folate, vitamin C, alkaline dồi dào. Trong đó, alkaline là hợp chất tính kiềm sở hữu khả năng hỗ trợ hòa tan axit uric và cân bằng độ pH trong cơ thể, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh gút.
2.4. Ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ
Ngũ cốc nguyên hạt là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa và chất xơ dồi dào, hỗ trợ kiểm soát bệnh gút hiệu quả.
– Ngũ cốc nguyên cám: Yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, bún gạo lứt.
– Hạt: Hạt chia, hạt lanh, hạt quinoa.
2.5. Trái cây có múi
Các loại trái cây có múi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa, hạn chế các phản ứng viêm gây bùng phát bệnh gút hiệu quả. Ngoài ra, một số loại trái cây có múi như bưởi, cam, quýt… còn chứa nhiều chất xơ và nước, có lợi cho sức khỏe của người bệnh gút.
2.6. Trái cây
Những loại trái cây cung cấp lượng vitamin C dồi dào, giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa của cơ thể.
– Trái cây giàu vitamin C: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi (giúp giảm axit uric).
– Trái cây ít đường: Táo, lê, dưa hấu, dưa lưới.
– Chuối: Có hàm lượng purin thấp, giúp kiểm soát bệnh gout.
2.7. Thịt nạc trắng
Nguyên nhân so với thịt đỏ, thịt nạc trắng chứa hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn. … Thịt nạc trắng còn cung cấp protein với 9 loại axit amin cần thiết giúp xây dựng tế bào và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vì vậy, người bệnh gút nên ưu tiên thịt nạc trắng với khối lượng phù hợp để hỗ trợ kiểm soát bệnh hiệu quả.
Thực đơn người bị gout cần ưu tiên các loại thịt nạc trắng như thịt cá, thịt gà… thay vì thịt đỏ như thịt dê, thịt lợn, thịt bò
2.8. Trứng
Trứng là thực phẩm cung cấp protein chất lượng cao, ít calo, dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn như salad quả bơ và trứng, súp trứng, cháo trứng, trứng luộc… Thêm các món ăn từ trứng vào thực đơn cho người bị gout với lượng vừa phải là cách giúp đa dạng khẩu phần ăn hàng ngày nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
2.9. Dầu thực vật nguyên chất
Các loại dầu thực vật nguyên chất như dầu hạt cải, dầu ô-liu… là thực phẩm không chứa purine, an toàn với sức khỏe của người bệnh gút. Bên cạnh đó, các loại dầu thực vật này còn cung cấp hàm lượng omega-3 dồi dào, giúp người bệnh gút kháng viêm và chống oxy hóa, hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, suy thận, tiểu đường…
2.10. Uống bổ sung đủ lượng nước
Người bệnh gút cần uống vừa đủ lượng nước theo nhu cầu của cơ thể. Bởi nước đóng vai trò là dung môi giúp hòa tan axit uric để có thể dễ dàng đào thải khỏi cơ thể. Để tránh rủi ro sức khỏe do dung nạp quá ít hoặc quá nhiều nước, người bệnh gút cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được chính xác lượng nước cần bổ sung trong ngày mà cơ thể cần.
Chế độ dinh dưỡng đúng cách không chỉ giúp giảm triệu chứng gout mà còn phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu cần hỗ trợ hoặc tư vấn cụ thể, bạn đừng ngần ngại liên hệ!
Tài liệu tham khảo
1. Gout | CDC. (n.d.). https://www.cdc.gov/arthritis/gout/
2. Gout diet: What’s allowed, what’s not. (2022, June 25). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/gout-diet/art-20048524.
BS Nguyễn Vũ Uyên Phương
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |