Phương pháp chụp can thiệp mạch vành qua da (PCI) giúp khôi phục lưu lượng máu của động mạch vành khi động mạch bị tắc nghẽn. Đây là phương pháp xâm lấn, giúp xác định bệnh tránh phải can thiệp mổ điều trị bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành ( hay bệnh tim thiếu máu cục bộ) là bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao. Sự mất cân bằng giữa cung – cầu oxi cơ tim do tưới máu không đủ do tắc nghẽn mạch máu. Điều này sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử cơ tim.
Chụp mạch vành qua da được thực hiện khi nào
Phương pháp chụp và can thiệp mạch vành (nong mạch vành) qua da thường được chỉ định ở các trường hợp sau: (1)
Hẹp động mạch vành
Động mạch vành bị tắc hẹp trên 70% được chỉ định nong mạch vành giúp mở rộng lòng mạch máu ở chỗ hẹp, giúp tưới máu cho cơ tim tốt hơn trong các hoạt động bình thường do đó, cho phép bệnh nhân có thể hoạt động trở lại mà không xuất hiện cơn đau thắt ngực.
Cơ tim thiếu máu cục bộ
Chụp mạch vành giúp ghi nhận hình ảnh mạch bị hẹp hay bị tắc, sau đó can thiệp mạch vành sẽ giúp nong rộng động mạch để máu được lưu thông bình thường.
Trường hợp suy tim do thiếu máu cục bộ, chức năng tim có thể phục hồi phần nào nếu được tái tưới máu hiệu quả.
Nhồi máu cơ tim cấp
Chụp mạch vành và can thiệp là một trong những giải pháp điều trị khẩn cấp cho các trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, giúp nong mạch máu bị hẹp, tái tưới máu nhanh chóng cho vùng cơ tim, bảo toàn khả năng co bóp.
Tuy nhiên, can thiệp mạch vành qua da không phải là chỉ định tối ưu ở mọi bệnh nhân. Chẳng hạn như các trường hợp một nhánh bị hẹp nhiều vị trí hoặc nhiều nhánh mạch vành bị hẹp cùng lúc. Đặc biệt ở các bệnh nhân đồng mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng nặng, xuất huyết nặng hoặc tim có nhiều khiếm khuyết cần sửa chữa.
Ưu điểm của phương pháp chụp can thiệp động mạch vành
Bản chất của chụp can thiệp động mạch vành qua da là một thủ thuật xâm lấn, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Bác sĩ sẽ tiếp cận vào hệ thống động mạch vành thông qua động mạch đùi dưới nếp bẹn hoặc động mạch quay ở cổ tay.
Phương pháp này có những ưu điểm đáng chú ý như:
- Nhanh chóng mở động mạch bị tắc và giảm mức độ tổn thương cho tim, cải thiện tình trạng đau thắt ngực nhanh chóng.
- Giúp phục hồi lượng máu đến tim mà không cần phẫu thuật tim hở
- Có ít rủi ro hơn bắc cầu nối động mạch vành (CABG)
- Tính thẩm mỹ cao, thủ thuật này không tạo ra vết rách da (do chỉ đam kim qua da).
- Có thời gian phục hồi ngắn hơn, ít đau hơn.
- Ít tốn kém hơn.
- Đây là một thủ thuật hữu ích cho một số trường hợp đặc biệt không muốn hoặc không thể trải qua phẫu thuật.
Chi tiết quy trình can thiệp động mạch vành qua da
Trước khi thực hiện thủ thuật
- Bệnh nhân sẽ được cung các thông tin về thủ thuật và các rủi ro có thê gặp phải trong quá trình thực hiện
- Bệnh nhân sẽ được kiểm tra xem có bị dị ứng thuốc cản quang hoặc bị các bệnh rối loạn đông máu hay không. Cũng như kiểm tra các bệnh lý nền như bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh thận.
- Bệnh nhân được cho dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.
Thực hiện thủ thuật
Bước 1: Mở đường vào mạch máu
- Bác sĩ sẽ sát trùng kỹ và gây tê vùng da xung quanh khu vực thực hiện thủ thuật.
- Bác sĩ sẽ mở đường vào mạch máu của người bệnh thông qua động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi.
- Đưa ống dẫn đến tận động mạch vành (động mạch nuôi tim)
Bước 2: Đặt ống thông can thiệp
Sau khi chụp động mạch vành và xác định được vị trí cần phải can thiệp, bác sĩ sẽ thực hiện như sau.
- Đặt một ống thông can thiệp vào lòng của động mạch vành.
- Một ống có bóng ở đầu sẽ được đưa tới vị trí hẹp dưới hướng dẫn của màn chiếu X-quang hoặc siêu âm trong lòng mạch
Bước 3: Tiến hành can thiệp mạch vành
- Bác sĩ sẽ bơm phồng một quả bóng nhỏ để làm mở rộng lòng mạch tại vị trí tổn thương và ép các mảng xơ vữa vào thành động mạch.
- Tiến hành đặt stent (là một ống lưới nhỏ bằng thép không gỉ) vào động mạch đã nong nhằm tránh tái hẹp lòng động mạch vành sau khi đã được nong bóng.
- Kiểm tra xem stent đã nở tốt hay chưa.
- Sau khi đặt stent, người bệnh sẽ được chụp kiểm tra lại động mạch vành nhằm đảm bảo không có biến chứng sau thủ thuật.
- Cuối cùng, bác sĩ sẽ rút dây dẫn ra khỏi động mạch vành.
Thủ thuật thường mất khoảng một vài giờ, tùy theo số lượng chỗ hợp cần nong. Bệnh nhân được tiêm thuốc tê tại vị trí đặt ống thông, sẽ không gây đau nhưng bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu như đau thắt ngực.
Thực tế, thủ thuật này không phải là giải pháp cho tất cả các bệnh mạch vành, mà còn tùy thuộc vào mức độ bệnh tim và tình trạng bệnh lý. Ngoài ra, thủ thuật này cũng có thể đi kèm với một số rủi ro và biến chứng nhất định nếu không được thực hiện đúng cách. Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn các bệnh viện, Trung tâm Tim mạch uy tín, có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, đầy đủ các trang thiết bị để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra chỉ định đúng đắn.
(theo Ths.Bs. Thái Thị Mai Yến
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh