Đau thần kinh toạ là bệnh lý rất thường gặp. Bệnh hay gặp ở lứa tuổi lao động (30-50 tuổi), tỉ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ
1. Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là hội chứng đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa (thần kinh hông to), thường từ vùng thắt lưng hoặc mông, lan xuống đùi sau, cẳng chân và đôi khi đến bàn chân. Tình trạng này thường do chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh tọa, gây đau, tê bì, hoặc yếu cơ.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: BVĐK Vạn Hạnh.
2. Nguyên nhân gây đau thần kinh toạ là gì?
1. Nguyên nhân phổ biến:
o Thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Thường gặp nhất, đặc biệt ở L4-L5 và L5-S1, gây chèn ép rễ thần kinh.
o Hẹp ống sống: Do thoái hóa cột sống, gai xương hoặc phì đại dây chằng.
o Thoái hóa cột sống: Gây mất ổn định hoặc chèn ép rễ thần kinh.
2. Nguyên nhân ít gặp:
o Chấn thương: Gãy hoặc trượt đốt sống.
o U cột sống: U gây chèn ép rễ thần kinh.
o Viêm nhiễm: Viêm cột sống, viêm đĩa đệm.
o Hội chứng cơ hình lê: Co thắt cơ hình lê chèn ép thần kinh tọa.
3. Các yếu tố nguy cơ
• Tuổi cao, tiền sử gia đình có bệnh cột sống.
• Thừa cân, béo phì.
• Tư thế lao động không đúng, nâng vác nặng.
• Hút thuốc lá làm giảm nuôi dưỡng đĩa đệm.
• Chấn thương vùng lưng dưới hoặc cột sống
• Lối sống lười vận động
• Tiểu đường:
4. Triệu chứng của đau dây thần kinh toạ
• Đau thần kinh tọa: Đau lan từ thắt lưng xuống mông và mặt sau đùi, cẳng chân.
• Tê bì: Có cảm giác như kiến bò, tê dọc đường đi của dây thần kinh.
• Yếu cơ: Mất khả năng nâng chân, yếu bàn chân hoặc ngón chân.
• Hạn chế vận động: Đau tăng khi ho, hắt hơi hoặc cúi người.
• Dấu hiệu Lasègue: Đau tăng khi nâng chân thẳng lên.
5. Phương pháp chẩn đoán đau dây thần kinh toạ
Bác sĩ sẽ thăm hỏi về tiền sử bệnh, sau đó đặt câu hỏi về triệu chứng đang gặp phải, kết hợp với các biện pháp thăm khám lâm sàn để chẩn đoán
Ngoài ra, một số xét nghiệm khác cũng sẽ được yêu cầu bao gồm:
1. Hình ảnh học:
o MRI: Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng và có giá trị nhất nhằm xác định chính xác dạng tổn thương cũng như vị trí, mức độ và các tổn thương đi kèm của thoát vị đĩa đệm.
o CT-scan: Dùng khi MRI không khả dụng.
o X-quang: Khảo sát tình trạng đĩa đệm đốt sống nhằm loại trừ viêm đĩa đệm dốt sống, tình trạng huỷ đốt sống do ung thư, …
2. Xét nghiệm:
o Máu: Loại trừ viêm nhiễm hoặc ung thư.
o Điện cơ (EMG): Đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
6. Nguyên tắc điều trị
• Giảm đau, giảm viêm và giải phóng chèn ép thần kinh.
• Phục hồi chức năng cột sống và ngăn ngừa tái phát.
• Điều trị nguyên nhân gây bệnh (thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống).
7. Phương pháp điều trị cụ thể
A. Điều trị nội khoa
1. Thuốc:
o Giảm đau: Paracetamol, NSAIDs (ibuprofen, naproxen).
o Giãn cơ: Baclofen, eperisone.
o Thuốc giảm đau thần kinh: Gabapentin, pregabalin.
o Corticosteroid: Tiêm ngoài màng cứng để giảm viêm.
2. Vật lý trị liệu:
o Kéo giãn cột sống, siêu âm, nhiệt trị liệu.
o Bài tập tăng cường cơ bụng, cơ lưng.
3. Chế độ nghỉ ngơi:
o Nằm giường cứng, tránh võng hoặc ghế bố, tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu.
B. Điều trị ngoại khoa
Chỉ định phẫu thuật:
o Đau kéo dài >6 tuần không đáp ứng với điều trị nội khoa
o Hội chứng chùm đuôi ngựa (mất kiểm soát tiểu tiện, liệt cơ).
o Gãy xương, mất vững cột sống.
o Hẹp ống sống, liệt chi dưới
C. Phẫu thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu
Là các biện pháp giải áp đĩa đệm qua kim chọc. Mục đích để lấy hoặc làm tiêu tổ chức từ vùng trung tâm đĩa đệm để làm giảm áp lực chèn ép của đĩa đệm thoát vị đối với rễ thần kinh
1. Phẫu thuật nội soi:
o Loại bỏ đĩa đệm thoát vị qua nội soi, ít xâm lấn hơn.
2. Tiêm chất chymopapain:
o Tiêm enzym để làm tan phần đĩa đệm chèn ép.
3. Giải ép plasma (tạo hình nhân đệm)
o Sử dụng sóng cao tần.
8. Theo dõi và quản lý
1. Theo dõi:
o Đánh giá triệu chứng đau và khả năng vận động.
o Hình ảnh học nếu triệu chứng không cải thiện.
2. Quản lý lâu dài:
o Phòng bệnh: giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể mang đai lưng để hỗ trợ. Tránh các động tác mạnh đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.
o Luyện tập bơi lội hoặc yoga giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng
o Nên mang đai lưng sau phẫu thuật ít nhất 1 tháng khi đi lại hoặc ngồi lâu.
o Nếu do nguyên nhân ác tính tại chỗ hoặc di căn, cần kết hợp điều trị ung thư (hoá trị, xạ trị) tuy nhiên tiên lượng dè dặt.
Bệnh đau thần kinh tọa cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ và kết hợp điều chỉnh lối sống để đạt kết quả tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
• Bono, C.M., and Ghiselli, G., Sciatica: A Review of History, Pathogenesis, and Clinical Presentation, Spine Journal, 2012, pp. 19-25.
• Bogduk, N., Clinical Anatomy of the Lumbar Spine and Sacrum, 5th edition, Elsevier, 2012, pp. 45-50.
• Fardon, D.F., and Williams, A.L., Spinal Disorders: Fundamentals of Diagnosis and Treatment, Springer, 2016, pp. 120-130.
• Ropper, A.H., et al., Adams and Victor’s Principles of Neurology, 11th edition, McGraw-Hill, 2019, pp. 420-425.
• Rothman, R.H., and Simeone, F.A., The Spine, 7th edition, Saunders, 2018, pp. 980-990.
• Benzel, E.C., Spine Surgery: Techniques, Complication Avoidance, and Management, 4th edition, Elsevier, 2016, pp. 1100-1110.
BS. Đặng Thiên Phụng
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |