Khi phát hiện mắc polyp đại tràng, trực tràng khiến người bệnh vô cùng lo lắng và có rất nhiều thắc mắc với các câu hỏi như: Tôi bị polyp như vậy có phải là bị ung thư không? Có cần phẫu thuật không? Có chữa được hoàn toàn không ?
Chính vì vậy bài viết này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết về polyp đại tràng.
Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành, đa số polyp là lành tính nhưng một số có khả năng hóa thành ác tính (ung thư) như polyp tuyến ống.
- Polyp đại trực tràng là rất thường gặp (30 đến 50% ở người lớn)
- Không phải tất cả các polyp đều trở thành ác tính
- Phải trải qua nhiều năm để một polyp trở thành ung thư
- Polyp hoàn toàn có thể được cắt bỏ thông qua nội soi đại tràng một cách an toàn
- Xử lý một polyp tùy thuộc vào số lượng, loại, kích thước, và vị trí của nó. Đa số bệnh nhân sau khi cắt polyp tuyến cần phải được theo dõi lâu dài về sau vì các polyp mới có thể xuất hiện sau này và cần phải được cắt bỏ tiếp.
Trong thực tế vài dạng khác như polyp tăng sản hoặc polyp viêm (giả polyp) hầu như không bao giờ hóa ác tính.
Nguyên nhân mắc polyp dạ dày là gì?
Polyp đại tràng là tổn thương thường gặp, ai cũng có khả năng mắc polyp dạ dày. Một số nguyên nhân mắc polyp thường gặp là:
- Lối sống: Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ, có thể kể đến các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì.
Trái lại dùng aspirin, các loại NSAIDs và chế độ ăn giàu calci có thể làm giảm bớt nguy cơ ung thư đại tràng.
- Tuổi tác: Ung thư đại trực tràng rất hiếm gặp trước tuổi 40. Có đến 90% các trường hợp xảy ra sau tuổi 50 do đó nên khám tầm soát ung thư dạ tràng khi đến tuổi 50 và thường thì phải mất khoảng 10 năm để một polyp nhỏ có thể phát triển thành ung thư.
- Yếu tố gia đình và di truyền
- Nhiều nghiên cứu cho thấy polyp và ung thư đại tràng thường xảy ra trong cùng một gia đình, điều này cho thấy yếu tố gia đình cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. Chính vì vậy, nên tầm soát ung thư đại tràng sớm hơn nếu có tiền sử polyp hoặc ung thư đại tràng trong gia đình.
- Một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể gây ung thư đại trực tràng sớm với tần suất cao như đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis – FAP) với rất nhiều polyp trong đại tràng, hoặc một bệnh khác là Ung thư đại tràng di truyền không do polyp có khả năng gây nguy cơ ung thư đại tràng, thường khởi phát ở tuổi 20 – 30 nhưng lại không thấy có nhiều polyp.
Những loại polyp nào dễ phát triển thành ung thư?
Có thể phân loại polyp đại tràng theo 3 cách là kích thước, hình thể và đặc điểm giải phẫu bệnh, điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng và khả năng mắc ung thư của mình.
– Theo kích thước:
- Polyp nhỏ: Kích thước dưới 5mm
- Polyp vừa: Kích thước từ 5-10 mm
- Polyp lớn: Kích thước > 10mm, polyp càng to, nguy cơ ung thư càng cao
– Theo hình thể:
- Polyp không cuống: Nguy cơ phát triển thành ung thư cao hơn, khó cắt bỏ hơn và khả năng để lại biến chứng khi cắt cao hơn polyp có cuống.
- Polyp có cuống: Nguy cơ phát triển thành ung thư thấp hơn, dễ cắt và ít biến chứng khi cắt hơn.
– Theo đặc điểm giải phẫu bệnh: Có hai dạng polyp thường gặp là polyp tăng sản và polyp tuyến.
- Polyp tăng sản: Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, hay gặp ở đoạn cuối đại tràng (trực tràng và đại tràng sigma) và rất ít khi trở thành ác tính.
- Polyp tuyến (Adenomatous polyp): 2/3 polyp đại tràng là polyp tuyến. Đa số không phát triển thành ung thư mặc dù có tiềm năng phát triển ung thư. Polyp tuyến thường được phân loại theo kích thước, hình dáng bên ngoài và đặc điểm mô học qua sinh thiết. Người ta thấy rằng polyp tuyến càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao. Vì thế, các polyp lớn cần phải được sinh thiết hoặc cắt bỏ hoàn toàn và gửi đi làm giải phẫu bệnh học.
Điều trị polyp đại tràng như thế nào?
Ung thư đại trực tràng chiếm 14% các trường hợp tử vong do ung thư, là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu phát hiện sớm các polyp tuyến tiền ung thư và tiến hành cắt bỏ trước khi chúng trở thành ác tính.
Khi bệnh nhân nghi ngờ mắc polyp đại tràng, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, tại BVĐK Vạn Hạnh bác sĩ sẽ tiến hành quá trình thăm khám qua các bước như sau:
Chẩn đoán
Chính vì Polyp thường không gây triệu chứng gì đặc biệt, nên thường được phát hiện khi kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư, hoặc xét nghiệm phát hiện có máu ẩn trong phân.
Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và thực hiện cắt polyp nếu phát hiện ra chúng. Polyp có hình dạng là một khối u nhỏ nhô vào lòng đại tràng, bề mặt polyp có thể tương tự niêm mạc đại tràng bình thường hoặc có thay đổi về màu sắc, loét hoặc chảy máu. Polyp có thể không cuống hoặc có cuống.
Nội soi đại tràng chính là phương pháp tốt nhất để theo dõi sự phát triển của các polyp. Các kỹ thuật mới được sử dụng để tầm soát và phát hiện polyp như : Xét nghiệm phân tử gen ( molecular genetic tests), nội soi đại tràng ảo (Virtual colonoscopy) sử dụng công nghệ MSCT hoặc MRI.
Cắt polyp
Các polyp nhỏ có thể thay đổi cấu trúc và biến thành ác tính qua thời gian, vì vậy nếu phát hiện polyp qua nội soi đại tràng thì nên cắt bỏ ngay.
Đa số các polyp đều có thể được cắt bỏ khi thực hiện nội soi đại tràng.
- Polyp nhỏ sẽ được cắt thành từng mẩu nhỏ bằng một dụng cụ luồn qua ống nội soi đại tràng.
- Polyp lớn được cắt bằng một dụng cụ giống chiếc thòng lọng (Snare) tròng qua phần đáy của polyp và đốt bằng điện. Việc đốt điện sẽ giúp cầm máu sau khi cắt polyp.
Cắt polyp không đau vì phần niêm mạc đại tràng không tạo được cảm giác đau. Ngoài ra, trước khi cắt Polyp bác sĩ nội soi sẽ sử dụng thuốc giảm đau, an thần cho bệnh nhân. Trường hợp polyp quá to không thể cắt được qua nội soi thì sẽ được xử trí bằng phẫu thuật.
Theo dõi
Polyp có khả năng tái phát, nhất là với bệnh nhân đã bị polyp tuyến thường có nguy cơ tái phát cao. Kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu đến 3 năm sau đó, khả năng tái phát polyp là 25 đến 30%.
Một số polyp có thể đã hình thành trong lần nội soi trước nhưng bị bỏ sót vì quá nhỏ, một số khác mới vừa hình thành sau này. Do đó, các bác sĩ khuyên rằng sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 đến 5 năm.
Khoảng cách giữa 2 lần nội soi sẽ còn tùy thuộc nhiều yếu tố như:
- Đặc điểm giải phẫu bệnh của polyp.
- Số lượng và kích thước polyp
- Trong khi soi đại tràng, nếu thấy còn nhiều phần khó quan sát và nhận diện được các polyp nhỏ thì ở lần soi kiểm tra tiếp theo nên được thực hiện sớm hơn mốc thời gian quy định (3 – 5 năm). Tầm soát ung thư đại tràng nếu được thực hiện theo đúng chỉ dẫn sẽ giúp giảm số lượng ca ung thư do mắc polyp đại tràng rất nhiều lần.
Làm thế nào để phòng tránh polyp đại tràng
Hiện tại đã có rất nhiều nghiên cứu về các loại thực phẩm và thuốc giúp phòng tránh ung thư đại tràng. Một số thực phẩm đã được xác định có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Trường Chuyên Khoa về Tiêu Hóa Hoa Kỳ (ACG) gợi ý các thói quen để phòng chống polyp tái phát:
- Chế độ ăn ít chất béo với nhiều hoa quả, rau và chất xơ.
- Tránh thừa cân.
- Tránh thuốc lá, bia rượu.
Khi nào cần thực hiện nội soi đại tràng
– Những người có liên hệ huyết thống phạm vi đời thứ 1 (cha mẹ, anh chị em, con ruột) với bệnh nhân đã được chẩn đoán có polyp tuyến hoặc ung thư đại trực tràng trước tuổi 60 sẽ có nguy cơ bị polyp tuyến và ung thư đại trực tràng cao hơn so với mức trung bình. Vì thế, các thành viên khác trong gia đình bệnh nhân cần có kế hoạch phòng tránh.
– Những người có liên hệ huyết thống đời thứ 2 (ông bà, dì cô, chú, cậu) hoặc thứ 3 (ông bà cố hoặc anh chị em họ) với bệnh nhân ung thư đại tràng sẽ được tầm soát như những người có nguy cơ trung bình.
– Các bác sĩ khuyên rằng tầm soát polyp và ung thư đại tràng cần được thực hiện đối với mọi người bắt đầu từ tuổi 50. Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, việc tầm soát phải tiến hành sớm hơn (ở tuổi 40).
– Các bệnh lý khác như ung thư đại trực tràng di truyền không polyp , bệnh đa polyp tuyến gia đình viêm loét đại tràng, bệnh Crohn có nguy cơ làm tăng khả năng mắc polyp và ung thư đại tràng.
Hiện phương pháp tầm soát tốt nhất đang được sử dụng trong nội soi đại tràng, nội soi đại tràng ảo bằng MSCT 64.
Ở BVĐK Vạn Hạnh chúng tôi với hệ thống phòng nội soi tiêu hóa tân tiến , nội soi tiền mê có thể giúp quý khách tầm soát định kỳ đường tiêu hóa của mình nhằm phát hiện sớm các bệnh lý đường tiêu hóa để có thể điều trị kịp thời cũng như phát hiện các polyp là một trong những nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa và loại bỏ chúng qua đường nội soi một cách dễ dàng.
(theo Ths.Bs. Trần Minh Khôi
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh