Chúng ta quá quen thuộc với từ “Béo phì”. Vậy “Béo phì” là gì? Nói một cách đơn giản đó là một sự tích tụ mỡ thừa trong cơ thể và điều đó có thể sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe quan trọng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 được xem là béo phì.
Từ trước đến giờ, mọi người đều được nghe nói rằng béo phì liên quan rất chặt chẽ với các bệnh lý rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh gan liên quan chuyển hóa, bệnh tim mạch do xơ vữa, nhưng bên cạnh đó nó còn ảnh hưởng đáng kể đến chức năng hô hấp của chúng ta.
“Béo phì ảnh hưởng đến “cơ học hô hấp” thông qua nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có sự gia tăng áp lực lên cơ hoành và lồng ngực, giảm dung tích phổi, và hạn chế thông khí. Những thay đổi này dẫn đến giảm oxy hóa máu và khó khăn trong hô hấp, đặc biệt là trong khi ngủ.
Các rối loạn hô hấp, tim mạch liên quan đến béo phì:
• Hội chứng giảm thông khí do béo phì (Obesity Hypoventilation Syndrome – OHS)
• Hội chứng ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA)
• Béo phì làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và suy tim
• Nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Người “Béo phì” nên được thăm khám và tầm soát các rối loạn hô hấp, tim mạch. Hiện nay với các kỹ thuật xét nghiệm và hình ảnh học hiện đại giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị:
X-quang ngực thẳng và CT scan ngực có thể cho thấy sự thay đổi về cấu trúc của phổi và lồng ngực, cũng như mức độ tích tụ mỡ quanh vùng bụng và ngực.
Đo chức năng hô hấp hay còn gọi là Hô Hấp Ký là một công cụ quan trọng trong đánh giá rối loạn hô hấp ở người béo phì. Hô hấp ký và cao hơn là phế thân ký là hai phương pháp phổ biến nhất để đo lường dung tích phổi và đánh giá khả năng thông khí. Các chỉ số như FVC (dung tích sống gắng sức), FEV1 (thể tích thở ra gắng sức trong 1 giây), và TLC (tổng dung tích phổi) thường bị giảm ở người béo phì.
Đánh giá khí máu động mạch là một phương pháp chẩn đoán quan trọng để xác định tình trạng oxy hóa máu và CO2 trong máu. Ở người béo phì, đặc biệt là những người bị Hội chứng giảm thông khí do béo phì – OHS, thường có tình trạng tăng CO2 và giảm oxy máu, cho thấy sự giảm hiệu quả trong quá trình trao đổi khí (Rapoport et al., 2021).
Làm thế nào để quản lý các rối loạn liên quan đến béo phì?
Giảm cân vẫn biện pháp quan trọng hàng đầu trong quản lý các loạn loạn liên quan béo phì. Các nghiên cứu cho thấy việc giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện đáng kể các chỉ số hô hấp và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
Đối với Hội chứng ngưng thở khi ngủ OSA, thì điều trị bằng máy thở áp lực dương (CPAP) là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. CPAP giúp duy trì đường thở mở trong khi ngủ, giảm số lần ngưng thở và cải thiện chất lượng giấc ngủ (McEvoy et al., 2016). Việc điều trị CPAP còn giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch liên quan đến OSA.
Hội chứng giảm thông khí liên quan béo phì OHS cần có sự kết hợp giữa giảm cân, thay đổi lối sống, và điều trị bằng máy thở không xâm lấn như CPAP hoặc BiPAP. Ở những bệnh nhân có tình trạng giảm thông khí nghiêm trọng, việc sử dụng máy thở không xâm lấn có thể giúp cải thiện tình trạng oxy hóa máu và giảm CO2.
Những trường hợp bệnh nhân béo phì nặng phẫu thuật để giảm cân có thể được xem xét chỉ định (phẫu thuật nội soi dạ dày hoặc phẫu thuật bắc cầu dạ dày). Phẫu thuật giảm cân có thể cải thiện đáng kể chức năng hô hấp và giảm triệu chứng của OSA và OHS.
Ngoài phẫu thuật giảm cân, các phẫu thuật khác thuộc chuyên khoa Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt như phẫu thuật nạo VA, phẫu thuật điều chỉnh vách ngăn mũi, hoặc phẫu thuật chỉnh hình hàm dưới cũng có thể giúp cải thiện đường thở và giảm triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ OSA.
Khi bạn thừa cân, béo phì hãy tìm đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị thích hợp để giảm nguy cơ các rối loạn hô hấp, tim mạch có liên quan.
BS. CKI. Phạm Tấn Pháp
Tài liệu tham khảo:
Brown, M., Jones, A., & Smith, B. (2018). Obesity and respiratory function: A systematic review. Journal of Respiratory Medicine, 12(4), 233-245.
Gomes, L. E., & Mendonça, R. (2021). The impact of obesity on the natural history of chronic obstructive pulmonary disease: A review. European Respiratory Review, 30(162), 200205.
Greenberg, H., & Sica, A. (2019). Imaging in obesity hypoventilation syndrome: Role of computed tomography and magnetic resonance imaging. Journal of Thoracic Imaging, 34(1), 18-26.
Jones, R. L., & Nzekwu, M. M. U. (2019). The effects of body mass index on lung volumes. Chest, 130(3), 827-833.
Lévy, P., & Pépin, J. L. (2020). Surgical management of obstructive sleep apnea: Role of upper airway surgery and bariatric surgery. Sleep Medicine Reviews, 50, 101256.
Martinez, F. J., & Celli, B. R. (2017). Obesity hypoventilation syndrome: Who should we suspect? The Lancet Respiratory Medicine, 5(10), 822-823.
McEvoy, R. D., Antic, N. A., Heeley, E., & Anderson, C. S. (2016). CPAP for prevention of cardiovascular events in obstructive sleep apnea. New England Journal of Medicine, 375(10), 919-931.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |