Theo Bác sĩ CK1 Trần Minh Khôi- Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh thì tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư gan tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại nước ta chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010. Khủng khiếp hơn là sau nhiều năm đứng ở vị trí số 2 sau ung thư phổi, ung thư gan đã vượt lên hàng thứ nhất với tỉ lệ mắc mới năm 2018 lên đến hơn 25.000 người. Đáng lo ở chỗ tỉ lệ tử vong của bệnh lên đến 90% do bệnh nhân phát hiện mình mắc ung thư gan ở giai đoạn muộn, khi khả năng chữa trị không còn cao.
Chị Nguyễn Như Q, 38 tuổi, ngụ tại quận 7 kể: “Tôi may mắn có được điều kiện kinh tế rất tốt. Nhưng vì mải mê với công việc, bỏ qua những triệu chứng ban đầu nên khi phát hiện thì đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Trải qua 8 lần hóa trị, đầu trọc lốc, đi phải có người dìu; bốn lần phẫu thuật cắt các cơ quan gan, phổi, mật và bị nhiễm trùng máu,…cuối cùng là được ghép gan. Cơ thể của tôi “bấy nhầy”, chằng chịt các vết mổ. Suốt 4 năm trời, tôi nhiều lần muốn tính chuyện “ra đi”, nhưng nghĩ đến hai con nhỏ, lại gắng gượng. Năm 2017, dù may mắn được một bạn chết não hiến tạng, cơ thể của tôi sau ghép gan có vẻ ổn, nhưng bây giờ suốt đời phải dùng thuốc chống thải ghép và một số loại thuốc đặc trị,…mỗi tháng gần 30 triệu đồng. Tôi thực sự hối hận “sao mình lại có thể chủ quan, vô tâm thiếu quan tâm đến sức khỏe đến như vậy?”
Câu chuyện của chị Q có hơn vài chục ngàn lượt người xem trên kênh you tube, nhiều người đã nín thở khi nghe chị kể về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư gan, nguyên nhân là do viêm gan virus B mà ra. Chị nói: “Nếu việc ghép gan chậm khoảng 1,2 tuần thì tôi đã chết”
Chị kể: “Trước đó tôi đã biết mình bị Viêm gan siêu vi B, Bác sĩ yêu cầu phải theo dõi nhưng tôi bỏ qua vì không và chưa bao giờ nghĩ viêm gan B lại nguy hiểm đến vậy. Tôi thấy khỏe mạnh lắm, ít khi bị ốm vặt. Chỉ đến khi thấy đầy bụng , da có hơi vàng, thi thoảng bị sốt nhẹ, tôi mới đi khám. Nhìn bề ngoài, tôi hết sức bình thường, bởi vậy sau khi có kết quả các xét nghiệm, Bác sĩ còn hỏi tôi: chị là người nhà của chị Q à. Chị Q bị K gan rồi, phải nhập viện gấp. Tôi tròn mắt hỏi lại: Bác sĩ có nhầm không, tôi là Q nè, tôi khỏe thế này mà bị ung thư sao,…”
Như không tin vào BS trong nước, ngay chiều hôm đó chi Q bay đi Singapore để làm lại các xét nghiệm. Bác sĩ cũng đưa ra đáp án cũ.
Bác sĩ Khôi cho biết, gan là bộ phận rất quan trọng của cơ thể với nhiều chức năng như là tổng hợp protein và các yếu tố đông máu, giải độc- biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi thải qua đường thận.Có vai trò điều hoà đường huyết, giúp chuyển hoá các chất tinh bột, chất béo và chất đạm, sản xuất ra dịch mật giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn, gan được ví như là một nhà máy giúp lọc hết các chất độc từ các loại thuốc men hoặc thực phẩm mà chúng ta đưa vào cơ thể.
Viêm gan có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính trong đó viêm gan B mạn hoặc viêm gan C mạn có thể dẫn tới xơ gan hoặc ung thư gan và gây tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây viêm gan như đã nói ở trên nhưng nguyên nhân phổ biến hiện nay là do các loại virus gây nên và cho tới thời điểm này một số virus đã được tìm thấy và đặt tên theo các chữ cái là A, B, C, D, E… Các loại virus gây viêm gan thường gặp nhất ở Việt Nam là virus A, B và C.
Mặc dù ung thư gan không dễ phát hiện nếu ở giai đoạn đầu, thế nhưng cơ thể bạn vẫn sẽ phát ra những tín hiệu không thể bỏ qua: Cảm nhận được một khối u ở bụng, bị tiêu chảy, vàng da, sốt nhẹ nhưng kéo dài, chảy máu bất thường và sụt cân.
Lời khuyên của Bác sĩ dành cho mọi người là hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư gan để có thể phát hiện sớm, điều trị hiệu quả.