Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao trên thế giới, nữ giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới. Đây là ung thư phổ biến thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nữ giới.(1)
Tuy nhiên ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện sớm, khả năng trị khỏi cao và hiệu quả điều trị tốt trong giai đoạn này. Vậy bị ung thư tuyến giáp có các phương pháp điều trị nào và khi nào cần phẫu thuật tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp là gì
Ung thư tuyến giáp là bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của tuyến giáp. Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm trước khí quản, giữa cổ bao gồm 2 thùy cánh bướm và một eo kết nối chúng. Tuyến giáp tiết ra các hormone để tham gia vào các quá trình trao đổi chất của cơ thể, tác động tới nhịp tim, hoạt động của các cơ quan,..
Ung thư tuyến giáp có hai loại:
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, chiếm 90% số ca mắc, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp nhú.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp kết hợp thể nhú và nang.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá, chiếm khoảng 10%, đây là nhóm nguy hiểm vì tiến triển nhanh, nhanh di căn, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá.
Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không? Người bệnh có thể sống được bao lâu
Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Ung thư tuyến giáp biệt hóa có khả năng chữa khỏi cao hơn so với ung thư tuyến giáp không biệt hóa. Đối với thể biệt hóa tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở giai đoạn khu trú là gần 100%, khi ung thư đã lan ra ngoài tuyến giáp khả năng điều trị khỏi trên 90% và ở giai đoạn di căn xa ra các cơ quan khác chỉ còn khoảng từ 40%.
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa mặc dù chiếm số lượng ít tuy nhiên cũng là dạng nguy hiểm nhất với tốc độ di căn nhanh và nguy cơ tử vong cao.
Ung thư tuyến giáp điều trị bằng cách nào
Vì tiên lượng tốt nên ung thư tuyến giáp nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi rất cao. Những phương pháp điều trị đối với bệnh nhân ung thư tuyến giáp hiện nay bao gồm:
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có chứa khối u. Cụ thể các phương pháp phẫu thuật cho từng trường hợp bao gồm:
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa:
- Phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp: Cho các trường hợp u nhỏ, kích thước nhỏ hơn 4cm, chưa xâm lấn vỏ bao, giai đoạn sớm, chưa có di căn hạch cổ.
- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp: Được chỉ định cho các trường hợp bao gồm u kích thước lớn hơn 4 cm, đã từng điều trị bằng tia xạ vùng cổ, khối u T3, T4; u đa ổ; di căn hạch cổ hoặc/và di căn xa; ung thư tuyến giáp tái phát.
- Vét hạch cổ chọn lọc: được chỉ định đối với trường hợp hạch nhỏ, chưa xâm lấn, hạch < 3 cm (chưa phá vỡ vỏ).
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa:
- Cắt giáp toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ triệt căn: Chỉ định trong trường hợp bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật điều trị.
- Mở khí quản hoặc mở thông dạ dày sau đó hóa trị hoặc xạ trị: thực hiện với các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật điều trị.
Liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone là phương pháp điều trị thay thế hoặc bổ sung các hormone tuyến giáp. Các thuốc điều trị hormone được sử dụng nhằm mục đích:
- Thay thế hormone tuyến giáp sau phẫu thuật: Khi tuyến giáp bị cắt bỏ hoàn toàn, các hormone được tiết ra bởi tuyến giáp trước đây cần cho các hoạt động của cơ thể không còn vì vậy người bệnh cần sử dụng thuốc hormone suốt phần đời còn lại. Tuy nhiên các hormone này tương tự với hormone tự nhiên của cơ thể, vì vậy nó sẽ không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
- Ức chế sự phát triển của tế bào ung thư tuyến giáp: liệu pháp hormone tuyến giáp liều cao có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, phương pháp này được khuyến nghị đối với các trường hợp ung thư tuyến giáp nặng.
Liệu pháp i-ốt phóng xạ
Được chỉ định với người bệnh sau khi phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và có nguy cơ tái phát cao.
Hóa trị
Chỉ định khi U tuyến giáp không biệt hóa đã di căn xa, việc hóa trị giai đoạn này không thể chữa khỏi hoàn toàn u giáp, nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và biến chứng do di căn xa.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng tia chiếu xạ vào khối u. Được chỉ định trong điều trị bổ trợ cho ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và thể tủy. Sau xạ trị có thể có một số phản ứng phụ như mệt mỏi, suy nhược, đau khi nuốt, miệng khô. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ biến mất sau vài tuần điều trị.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp trúng đích sử dụng các loại thuốc mới như lenvatinib và sorafenib “tấn công” trực diện đến các tế bào ung thư nhưng sẽ hạn chế gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.
Liệu pháp nhắm trúng đích có thể được áp dụng trong điều trị các trường hợp ung thư tuyến giáp đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và không đáp ứng với điều trị bằng i-ốt phóng xạ.
Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh là địa chỉ thăm khám, tầm soát và điều trị các loại ung thư uy tín, hiệu quả cao bao gồm cả ung thư tuyến giáp. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại có thể và thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị tiên tiến nhất giúp người chẩn đoán và điều trị trong từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh