1. Viêm phổi mắc phải cộng đồng là gì?
Viêm phổi mắc phải cộng đồng là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi, bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi.
Tác nhân gây viêm phổi có thể là: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm nhưng không phải do trực khuẩn lao. Nguyên nhân viêm phổi mắc phải cộng đồng tùy thuộc từng vùng địa lý, nhưng Streptococcus pneumonia là nguyên nhân hay gặp nhất trên thế giới. Tỉ lệ mắc chung của viêm phổi mắc phải ở cộng đồng khoảng 5,16-6,11/1000 người trong năm và tăng theo tuổi. Mùa dễ mắc bệnh là mùa đông, nam thường mắc phải nhiều hơn nữ. Ở Việt Nam, viêm phổi chiếm 12% bệnh phổi.
Viêm phổi có mức độ từ nhẹ đến rất nặng và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mức độ nặng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người già trên 65 tuổi, người có bệnh nặng kèm theo hay người có suy giảm hệ miễn dịch. Tử vong do bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng hay gặp ở nhóm phải nhập viện điều trị; tỉ lệ tử vong chung lên tới 28% mỗi năm.
2. Những tác nhân gây viêm phổi xâm nhập như thế nào?
- Đường hô hấp
– Hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài, trong không khí
– Hít phải vi khuẩn do ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
- Đường máu: thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết, nội tâm mạc do nhiễm khuẩn, tĩnh mạch nhiễm khuẩn .v.v..
- Nhiễm khuẩn theo đường kế cận phổi
- Theo đường bạch huyết
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm phổi thay đổi theo thể nhẹ đến nặng và tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mầm bệnh, tuổi và bệnh toàn thân. Ở thể nhẹ triệu chứng giống cảm cúm nhưng kéo dài lâu hơn.
3. Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng thường gặp khi người bệnh mắc bệnh viêm phổi bao gồm:
- Ho, có thể ho khan hay ho có đàm
- Mệt mỏi
- Sốt, vã mồ hôi, run lạnh
- Đau ngực
- Khó thở
- Lú lẫn hay thay đổi tri giác có thể gặp ở người già trên 65 tuổi
- Rối loạn tiêu hóa như nôn, ói hoặc tiêu chảy
4. Nguy cơ dẫn đến viêm phổi
Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị viêm phổi, nhưng hai nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất là trẻ nhỏ dưới hai tuổi và người già trên 65 tuổi. Những yếu tố nguy cơ khác gồm:
- Bệnh mãn tính: người măc bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim, đái tháo đường… dễ bị viêm phổi
- Hút thuốc lá: hút thuốc làm suy giảm cơ chế bảo vệ của cơ thể đối với tác nhân gây ra viêm phổi
- Suy giảm hệ miễn dịch: người nhiễm HIV/AIDS, ghép tạng, đang điều trị hóa chất, điều trị corticosteroids kéo dài cũng dễ bị viêm phổi
5. Biến chứng thường xảy ra của bệnh viêm phổi
Viêm phổi có thể gây ra nhiều biến chứng, thường xảy ra ở những nhóm có nguy cơ cao. Những biến chứng có thể gặp là:
- Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn từ phổi có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng ở nhiều cơ quan khác: viêm màng não, viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm khớp nhiễm khuẩn, suy gan suy thận…
- Khó thở do suy hô hấp: ở thể viêm phổi nặng, nếu người bệnh có sẵn bệnh phổi mãn tính trước đó, suy giảm chức năng hô hấp có thể xảy ra dẫn đến người bệnh phải nhập viện, thậm chí phải cần đến máy giúp thở. Tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân có biến chứng này cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời
- Tràn dịch màng phổi và viêm mủ màng phổi
- Áp xe phổi
6. Yêu cầu xét nghiệm cận lâm sàng để phát hiện bệnh
Để chẩn đoán, sau khi hỏi kỹ bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Xét nghiệm máu: giúp xác định có bị nhiễm trùng hay không, đồng cũng để tìm tác nhân gây nhiễm trùng
- Chụp X-Quang phổi: để chẩn đoán viêm phổi, vị trí và mức độ lan rộng của viêm phổi
- Đo độ bão hòa oxy máu: đo nồng độ oxy trong máu, trong viêm phổi, khả năng cung cấp oxy vào máu lưu thông có thể bị giảm
- Xét nghiệm đàm: để tìm tác nhân gây nhiễm trùng
Ngoài ra trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thêm những kỹ thuật và xét nghiệm khác như CT ngực hoặc cấy dịch màng phổi.
Khi có triệu chứng nghi viêm phổi, người bệnh cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán xác định, phân loại mức độ nặng nhẹ để có hướng điều trị thích hợp. Việc điều trị viêm phổi có mục đích chữa khỏi nhiễm trùng và phòng ngừa biến chứng. Bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng thể nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc tại nhà. Mặc dù hầu hết các triệu chứng thuyên giảm trong vòng vài ngày đến vài tuần nhưng triệu chứng mệt có thể kéo dài lâu hơn. Điều trị đặc hiệu tùy thuộc vào thể bệnh và mức độ trầm trọng của viêm phổi, tuổi và bệnh đồng mắc.
7. Khi nào cần nhập viện
Có nhiều thang điểm khác nhau để đánh giá mức độ nặng của viêm phổi, liên quan đến chỉ định nhập viện điều trị, dùng thuốc và tiên lượng bệnh nhân.
Sau đây là 5 tiêu chuẩn CURB 65 được Hội Lồng Ngực Anh đưa ra , khá đơn giản và dễ áp dụng, thường được sử dụng trên lâm sàng:
- C: (confusion): thay đổi ý thức
- U: ( u rê máu ): u rê máu > 7 mmol/lít
- R: ( respiratory rate): nhịp thở = hoặc > 30 nhịp/phút
- B: ( blood pressure): huyết áp tâm thu = hoặc < 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương = hoặc < 60 mmHg
- 65 : tuổi : = hoặc > 65 tuổi
Nếu người bệnh không có hoặc chỉ có 1 tiêu chuẩn trên (0-1 điểm) thì có thể điều trị ngoại trú. Nếu có 2-3 tiêu chuẩn (2-3 điểm) thì nên nhập viện, điều trị và theo dõi nội trú. Nếu từ 4-5 điểm thì cần điều tri tại khoa hồi sức.
Tiên lượng tử vong cũng tăng dần theo điểm chuẩn. Nhóm điều trị ngoại trú có tỷ lệ tử vong từ 0,7% – 2,1%; nhóm nội trú: 9,2% –14,5%; nhóm điều trị tại khoa hồi sức: 40% – 57%.
8. Phòng ngừa viêm phổi
- Tiêm ngừa phế cầu và cúm. Biện pháp này được khuyến cáo đối với những bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, đái tháo đường, người già trên 65 tuổi. Thống kê cho thấy tiêm vaccine phòng phế cầu tránh được 60-70% viêm phổi mắc phải cộng đồng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
- Không hút thuốc. Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động được chứng minh là yếu tố nguy cơ của viêm phổi mắc phải cộng đồng.
- Tập luyện và ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng.
Nhìn chung, bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng khá phổ biến, bệnh có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện các triệu chứng nặng và xử trí tích cực kịp thời. Các biện pháp phòng ngừa đóng vai trò quan trọng và hiệu quả đối với bệnh lý này.
Nếu có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chấn đoán chính xác và những tiên lượng chữa trị kịp thời, hiệu quả.
———————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh