Trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ yếu đi rất nhiều, cùng với sự thay đổi nội tiết tố và tác động từ các yếu tố môi trường, phụ nữ thường dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và vi rút hơn, cũng như dễ mắc bệnh hơn. Bệnh gan là một trong những bệnh thường gặp đối với phụ nữ mang thai, các tổn thương do bệnh có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp phù hợp.
6 bệnh gan thường gặp trong thai kỳ
1. Viêm gan do virus
Viêm gan virus trong thai kỳ mẹ bầu có thể mắc phải gồm virus viêm gan A, B, C, E và HSV. Trong đó viêm gan B, C là hai chủng thường gặp nhất, mẹ nhiễm virus viêm gan có thể lây truyền qua thai nhi, cũng như có thể gặp một số biến chứng trong thai kỳ do viêm gan virus như vỡ ối, nhau bong non hoặc sinh non.
Viêm gan siêu vi cấp tính có thể không có triệu chứng rõ rệt cho từng loại virus, có thể có một số triệu chwusng lâm sàng thường gặp như vàng da, buồn nôn, chán ăn, đau bụng hoặc khó chịu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ và nước tiểu sẫm màu.
2. Chứng nôn nghén nặng (HG)
HG một tình trạng ốm nghén nặng và nghiêm trọng trong thai kỳ, nó xảy ra khoảng 0,3% – 2% số phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. HG không hoàn toàn là bệnh gan nhưng cho ra kết quả xét nghiệm gan bất thường.
HG biểu hiện như buồn nôn và nôn nặng, nôn nhiều, sau đó là mất nước, đi tiểu ít hơn bình thường, chóng mặt, sụt cân. HG gây thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể khó nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết, từ đó có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
3. Ứ mật trong gan
Ứ mật thai kỳ (hay cholestosis) thai kỳ là một chứng rối loạn hoạt động của gan trong thai kỳ xảy ra khi gan không thể bài tiết mật đúng cách. Ứ mật thai kỳ đặc trưng với triệu chứng ngứa dữ dội, nhiều nhất ở chân và tay của thai phụ. Tình trạng này thường gặp trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc trong ba tháng cuối của thai kỳ.
Tăng hormone trong thai kỳ, đặc biệt là estrogen, progesterone có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động quá mức của túi mật và gan, ảnh hưởng đến dòng chảy mật khiến mật trong gan tràn vào máu. Thay vì được đưa về ruột, axit mật đọng lại ở dưới da, gây cảm giác ngứa da.
Ứ mật trong thai kỳ gây ra những triệu chứng như:
- Ngứa dữ dội, ngày càng tăng nhưng không phát ban nhiều ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngứa có thể lan ra toàn thân. Ngứa nhiều về đêm.
- Nước tiểu sậm màu
- Phân nhạt màu
- Mệt mỏi, kiệt sức
- Mất cảm giác thèm ăn
- Da, mắt và lưỡi có màu vàng
- Cảm giác tức bụng hoặc nhạy đau ở 1/4 trên phía phải của bụng
4. Gan nhiễm mỡ cấp tính (AFLP)
Gan nhiễm mỡ cấp tính khi mang thai là rối loạn khi mang thai đặc trưng bởi sự xâm nhập của các hạt mỡ nhỏ vào trong nhu mô gan. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là rối loạn di truyền dẫn đến khiếm khuyết trong quá trình chuyển hóa các axit béo, phổ biến nhất là thiếu hụt enzyme LCHAD, gây tích mỡ trong gan.
Mẹ bầu thường mắc gan nhiễm mỡ cấp tính vào cuối thai kỳ với các triệu chứng thường gặp như:
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau bụng hoặc đau vùng thượng vị
- Mệt mỏi quá mức và buồn ngủ
- Ăn mất ngon
- Vàng da (trong trường hợp nặng)
- Sốt, sụt cân
- Cổ trướng
5. Hội chứng HELLP
HELLP là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở trong tam cá nguyệt thứ ba. Đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật ở bà bầu. Hội chứng xảy ra ở 10% số bệnh nhân mang thai bị tiền sản giật nặng. Tuy hiếm gặp, nhưng đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đe dọa tính mạng của cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng của hội chứng HELLP tiền sản giật (nhiễm độc thai kỳ) bao gồm:
Nhức đầu nhiều và tăng dần
Mờ mắt, khó chịu
Buồn nôn và nôn
Đau ngang vùng thượng vị
Dị cảm tê tay chân
Có thể bị phù
Tăng huyết áp
Thăm khám phát hiện vỡ bao gan kèm máu tụ, đông máu nội mạch lan tỏa
6. Bệnh sỏi túi mật
Phụ nữ mang thai có khả năng mắc sỏi túi mật cao hơn vì trong thời kỳ mang thai chức năng co bóp của túi mật giảm và tăng độ bão hòa cholesterol trong túi mật lắng đọng lại tạo sỏi.
Thai phụ mắc sỏi túi mật có thể có triệu chứng đau ở thượng vị hoặc 1⁄4 trên bên phải của bụng, đau tại vị trí túi mật. Cơn đau có thể là đau âm ỉ hoặc đau nhói, đau dữ dội, cơn đau có thể xuất hiện sau ăn một bữa ăn giàu chất béo khoảng 1-3 giờ.
Phòng ngừa và chẩn đoán bệnh gan trong thai kỳ
Để xác định nguyên nhân và tình trạng của người bệnh liệu có phải do các bệnh gan trong thai kỳ gây ra hay không, một số xét nghiệm chẩn đoán sẽ được thực hiện bao gồm:
- Công thức máu và tiểu cầu :AST, ALT, Bilirubin, Phosphatase kiềm, Anbumin
- Đạm tổng số
- Trao đổi chất cơ bản (BMP)
- Phân tích nước tiểu
Gan là cơ quan chuyển hóa quan trọng của cơ thể, nhất là ở phụ nữ mang thai các bệnh lý về gan có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé
Do vậy, trước khi mang thai, chị em cần khám sức khoẻ để biết trước các bệnh gan tiềm ẩn trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến thai nhi; trong thời kỳ mang thai nếu có những biểu hiện bất thường như nhức đầu, buồn nôn, đau bụng vùng thượng vị nghi ngờ bệnh gan mẹ nên báo ngay với bác sĩ điều trị để được phát hiện bệnh kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh gan thai kỳ, phụ nữ có bệnh về gan cần được điều trị trước khi mang thai, không nên mang thai khi tuổi cao, không mang bầu nhiều lần và quá dày. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý và theo dõi định kỳ khi mang thai.