Trầm cảm ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa chất lượng cuộc sống ở những phụ nữ thực hiện cũng như việc thụ tinh trong ống nghiệm.
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh
Thống kê cho thấy có khoảng 20% các trường hợp sau kết hôn đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến vô sinh hiếm muộn, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (quality of life – QoL) của họ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của QoL đến kết quả điều trị vô sinh hiếm muộn.
Phụ nữ khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) không những gặp nhiều khó khăn về thể chất như trải qua các cơn đau của cơ thể hay thậm chí là cảm giác không thoải mái trong quá trình điều trị mà còn đối diện với những thách thức về tâm lý và cảm xúc (như áp lực gia đình hay định kiến xã hội). Hơn nữa họ trở nên dễ cảm thấy tổn thương bằng từ ngữ thông qua quá trình giao tiếp với người thân hoặc các nhân viên chăm sóc y tế và điều này làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân.
Trầm cảm là một trong các nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến kết cục điều trị của hơn 50% trường hợp thực hiện TTTON. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực trước khi thực hiện chu kì điều trị so với trong quá trình điều trị. Ở các trường hợp thực hiện lặp lại nhiều chu kì điều trị có mức độ trầm cảm cao hơn so với những trường hợp mới bắt đầu chu kì điều trị đầu tiên. Hơn nữa, nguy cơ trầm cảm có thể kéo dài đến 1 năm sau sinh, ngay cả khi thụ thai thành công bằng IVF và sau đó là sinh con. Vì vậy, cần có kế hoạch để hỗ trợ về mặt cảm xúc và tinh thần cho những phụ nữ thực hiện TTTON.
Một nghiên cứu của nhóm tác giả người Hàn Quốc đã được thực hiện trong năm 2021 nhằm đánh giá mức độ trầm cảm, QoL, cảm xúc cá nhân và ảnh hưởng của những khía cạnh này đến mối quan hệ giữa trầm cảm và chất lượng cuộc sống ở những phụ nữ thực hiện TTTON. Thông tin của bệnh nhân được ghi nhận thông qua bảng câu hỏi tự trả lời trong thời gian 10 phút.
Thang điểm trầm cảm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống ra sao
Trầm cảm được đánh giá dựa trên một thang điểm. Thang điểm này đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm như sau:
– 0: rất hiếm (≤ 1 ngày trong tuần)
– 1: thỉnh thoảng (1 – 2 ngày trong tuần)
– 2: thường xuyên (3 – 4 ngày trong tuần)
– 3: rất nhiều (≥ 5 ngày trong tuần)
Tổng điểm đánh giá trầm cảm dao động từ 0 – 60. Điểm càng cao thì mức độ trầm cảm càng nặng. Điểm ≥ 16 cho thấy đối tượng có khả năng bị trầm cảm và từ ≥ 25 điểm cho thấy đối tượng bị trầm cảm.
Chất lượng cuộc sống (QoL) được đánh giá dựa trên bộ câu hỏi của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu (ESHRE). Bộ câu hỏi gồm 24 mục đề cập các vấn đề liên quan đến vô sinh (6 mục về cảm xúc, 6 mục về cơ thể và suy nghĩ, 6 mục về mối quan hệ cá nhân và 6 mục liên quan đến các khía cạnh xã hội) và 2 mục liên quan chung đến chất lượng cuộc sống.
Cảm xúc cá nhân được đánh giá dựa vào công cụ có tên là Distress Disclosure Index (DDI). Công cụ này gồm 12 mục giúp xác định liệu rằng một người có bày tỏ những cảm xúc tiêu cực của họ cho người khác biết hay họ có xu hướng giữ những cảm xúc đó cho riêng mình.
Mức độ trầm cảm, cảm xúc cá nhân và QoL liên quan thụ tinh trong nghiệm
Điểm số trung bình khi đánh giá về trầm cảm là 1,28 (± 0,42) (thang điểm 0 – 3). Dựa trên các kết quả ghi nhận được và so sánh với ngưỡng, không có trường hợp nào không biểu hiện các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, có 66,3% trường hợp nghi ngờ bị trầm cảm, 33,7% bị trầm cảm. Điểm số trung bình khi đánh giá về cảm xúc cá nhân và QoL lần lượt là 3,15 ± 0,83 (thang điểm 1 – 6) và 3,42 ± 0,61 (thang điểm 1 – 5). Có mối tương quan nghịch giữa trầm cảm với cảm xúc cá nhân và giữa trầm cảm với QoL ở những phụ nữ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Như vây, trong nghiên cứu này, cảm xúc cá nhân có tương quan nghịch với mức độ trầm cảm và tương quan thuận với QoL. Điều này cho thấy phụ nữ khi điều trị vô sinh hiếm muộn cần được hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp họ vượt qua những cảm giác và suy nghĩ tiêu cực (nếu có), góp phần hạn chế lo âu và căng thẳng.
Nguồn tham khảo: Kim, M., Hong, J.E. and Ban, M., 2021. Mediating Effects of Emotional Self-Disclosure on the Relationship between Depression and Quality of Life for Women Undergoing In-Vitro Fertilization. International Journal of Environmental Research and Public Health, 18(12), p.6247.
Nếu có bất kì vấn đề gì về sức khỏe, xin đừng chủ quan, hãy liên hệ ngay với chúng tôi:
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh
⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hoặc gọi chúng tôi theo Hotline 028.3863.2553
Hoặc đăng ký khám TẠI ĐÂY