BS. CK1. Nguyễn Ân – Khoa Ngoại
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú phải dựa trên thực tế và việc đánh giá các yếu tố nguy cơ từ căn bệnh và từ người bệnh.
Ung thư vú là ung thư thường gặp và gây tử vong nhiều nhất cho phụ nữ Việt Nam. Nước ta nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh thấp, dưới 30 trong 100.000 người và tỷ lệ tử vong là 7.1 trong 100.000 người. Theo ghi nhận ở quần thể ung thư trong những năm gần đây cho thấy ung thư vú là loại thường gặp nhất tại Việt Nam, vượt qua ung thư cổ tử cung và thường gặp sau 30 tuổi.
Ung thư vú thường hình thành trong các nang tuyến vú hoặc ống dẫn sữa. Bệnh thường di căn theo đường mạch máu và đường bạch huyết. Hạch di căn thường là hạch nách trên cùng bên, hạch vú trong và hạch trên đòn. Di căn xa thường đến xương phổi, gan, não…
Ung thư vú là ung thư thường gặp và gây tử vong nhiều nhất cho phụ nữ Việt Nam. Nước ta nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc bệnh thấp, dưới 30 trong 100.000 người và tỷ lệ tử vong là 7.1 trong 100.000 người. Theo ghi nhận ở quần thể ung thư trong những năm gần đây cho thấy ung thư vú là loại thường gặp nhất tại Việt Nam, vượt qua ung thư cổ tử cung và thường gặp sau 30 tuổi.
Ung thư vú thường hình thành trong các nang tuyến vú hoặc ống dẫn sữa. Bệnh thường di căn theo đường mạch máu và đường bạch huyết. Hạch di căn thường là hạch nách trên cùng bên, hạch vú trong và hạch trên đòn. Di căn xa thường đến xương phổi, gan, não…
Tình huống phát hiện
• Tình huống sớm: phát hiện qua tầm soát bằng nhũ ảnh, qua khám sức khỏe định kỳ, sau khi siêu âm.
• Tình huống thường gặp: cục u trong vú hoặc tiết dịch núm vú 1 bên là triệu chứng thường gặp.
• Tình huống trễ: bướu tiến triển tại chỗ làm da dầy lên hoặc biến đổi giống như da cam, da co kéo, núm vú bị lún hoặc xù xì. Xuất hiện hạch nách cùng bên với khối u hoặc hạch trên xương đòn. Giai đoạn lan tràn có thể gặp các triệu chứng như: khó thở, gãy xương, báng bụng…
Hầu hết sờ thấy có 1 bướu, lớn hơn 1cm. Vị trí thường gặp nhất là góc trên ngoài tuyến vú. Bướu chắc cứng, ít khi đau, di động ít so với phần vú lân cận hoặc dính chắc khi có xâm lấn da vú cũng như thành ngực.
Sờ thấy hạch nách và hạch trên đòn cùng bên, thường to hơn 1cm, tròn, cứng, chắc, có thể dính vào nhau, không đau.
Khi nói tới ung thư vú chúng ta chỉ nghĩ tới phụ nữ. Tuy nhiên, bệnh này không phải là không có ở nam giới mặc dù hiếm gặp. Triệu chứng ban đầu là một u dưới quầng vú, thường gặp ở người 60 – 70 tuổi. Vì vậy, dù là nam giới cũng không thể chủ quan bỏ qua các triệu chứng này.
Phương tiện xác định bệnh
Siêu âm tuyến vú giúp phân biệt mô mỡ, mô tuyến vú, nang hoặc bướu.
Nhũ ảnh là phương tiện để tầm soát và chẩn đoán có độ nhạy cao. Tuy nhiên, ở phụ nữ trẻ, đặc biệt dưới 20 tuổi, tầm soát bằng nhũ ảnh ít có giá trị và nên tránh vì tuyến vú rất nhạy với tác dụng gây đột biến của tia X.
CT Scan, MRI, PET Scan có thể thấy được tổn thương như trong mô vú dày đặc ở những vị trí mà nhũ ảnh và siêu âm khó với tới vì nằm sâu trong hố nách, sau vú, trong vú. Tuy nhiên, độ đặc hiệu chỉ ở mức thấp tới trung bình và giá thành cao.
Sinh thiết bằng kim có thể thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Kỹ thuật này có độ chính xác cao.
Điều trị bệnh ung thư vú
Phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp được áp dụng cho hầu hết các trường hợp. Có nhiều cách cắt bỏ, lựa chọn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Xác định bệnh thật sớm thì chỉ cắt một phần, nếu phát hiện bệnh trễ thì cần phải cắt tận gốc. Mặc dù điều trị bảo tồn tuyến vú và đoạn nhũ có tỉ lệ sống còn tương đương như nhau nếu chỉ định đúng giai đoạn, nhưng hầu hết phụ nữ trẻ đều mong muốn giữ lại tuyến vú. Vì vậy, khi chọn phẫu thuật bảo tồn tuyến vú phải cân nhắc nguy cơ tái phát cao và mức độ thẩm mỹ có thể đạt tương ứng với độ rộng của phẫu thuật.
Điều trị bằng phóng xạ
Xạ trị là một phần của điều trị bảo tồn, được tiến hành sau phẫu thuật cắt góc tư vú hoặc cắt bướu. Xạ trị làm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật bảo toàn vú sau 10 năm từ 30% xuống còn 10%. Xạ trị thường được tiến hành sau hóa trị hỗ trợ ở bệnh nhân cần hóa trị hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật bảo tồn mà không cần hóa trị
Xạ trị hỗ trợ sau đoạn nhũ vào thành ngực và hạch vùng làm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ và vùng lân cận cho các bệnh nhân có nguy cơ thất bại cao sau đoạn nhũ, kể cả những phụ nữ có điều trị hỗ trợ bằng hóa chất.
Điều trị hỗ trợ toàn thân
Có 3 loại điều trị chính gồm: liệu pháp nội tiết, liệu pháp hóa trị và các liệu pháp kết hợp hóa – nội tiết.
Mục tiêu của những liệu pháp này là làm giảm thiểu hoặc tiêu diệt tận gốc căn bệnh di căn toàn thân vi thể ở các phụ nữ mà khối bướu đại thể tại chỗ đã được bứng đi đúng lúc.
Đối với những khối u đã có di căn xa, việc điều trị căn bệnh lan tràn toàn thân chỉ có tính chất tạm bợ và nâng đỡ. Điều trị bằng phóng xạ hay phẫu thuật chỉ có thể được dùng cho một số trường hợp di căn còn ít.
Phụ nữ nào dễ mắc bệnh
• Yếu tố di truyền
Tiền sử ung thư vú trong gia đình là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ở phụ nữ trẻ. Đột biến gen chiếm khoảng 20% tất cả các ung thư di truyền.
• Tuổi
Nguy cơ ung thư vú tăng dần theo tuổi, bắt đầu tăng nhanh và đều trong khoảng tuổi sanh đẻ từ 35-50, tốc độ tăng chậm hơn sau tuổi mãn kinh từ 55 tuổi, lên đến đỉnh cao ở tuổi 75-85 sau đó giảm xuống.
• Yếu tố nội tiết – sinh đẻ
Nội tiết là yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư vú, thời gian tiếp xúc với nội tiết tố nữ (estrogen và progesteron) càng lâu nguy cơ ung thư vú càng cao. Nguy cơ ung thư vú ở độ tuổi 30-34 tăng 2.5 lần nếu dùng thuốc ngừa thai trước 20 tuổi và 2.13 lần nếu dùng sau 20 tuổi.
Những phụ nữ sanh con đủ tháng sau 30 tuổi có nguy cơ phát triển ung thư vú gấp 2-2.5 lần so với phụ nữ sanh con đủ tháng trước 18 tuổi. Phụ nữ có 1 con thì giảm được 25% và từ 5 con trở lên giảm được 50% nguy cơ so với phụ nữ không có con.
• Bệnh lý
Một số bệnh lý tuyến vú có trước như bệnh xơ hóa tuyến vú, bướu nhú tuyến vú, tăng sản ống tuyến vú không điển hình và ung thư tại chổ có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú từ 20-10 lần.
• Các yếu tố khác
Nhiễm phóng xạ. Béo phì cùng với uống rượu và ít vận động đang trở nên nguy cơ chính của ung thư vú.
Tái tạo vú sau phẫu thuật
Việc tái tạo hình vú sau phẫu thuật cắt bỏ điều trị ung thư vú đã trở thành nhu cầu bức thiết của người phụ nữ, giúp cho người bệnh có thể lấy lại sự tự tin là yếu tố rất quan trọng trong việc cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân ung thư.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư vú thường tạo nên khuyết hổng phần mềm và da che phủ vùng ngực tương ứng. Nhờ những tiến bộ của kỹ thuật mới (giãn da, vi phẫu thuật) và các chất liệu trong phẫu thuật tạo hình mà vú có thể được tái tạo ngay hay là sau khi phẫu thuật cắt bỏ được tiến hành. Mục đích của phẫu thuật tạo hình là mang lại thể tích mới cho vú bị cắt, tái tạo sự cân đối so với bên lành, tạo hình lại quầng và núm vú mới. Có nhiều cách tái tạo lại hình ảnh của vú.
• Đặt túi độn ngực. Phương pháp này áp dụng cho những trường hợp không bị mất nhiều da và tổ chức dưới da sau khi phẫu thuật cắt bỏ. Túi độn thường dùng là loại túi bơm giãn bằng nước muối sinh học.
• Đối với những trường hợp cần phải cắt bỏ nhiều da khi điều trị, quá trình tái tạo mất nhiều thời gian hơn. Trước hết, cần phải đặt một túi có thể bơm căng từ từ vào dưới da làm cho vùng da cần thiết có thể giãn ra. Sau nhiều lần bơm căng túi, khi nào vùng da cần thiết đã có đủ diện tích thì bác sĩ sẽ đặt một túi độn tái tạo hình ảnh của vú.
• Một phương pháp khác có thể tiết kiệm được thời gian là dùng các vạt da và cơ của các vùng lân cận đưa tới ngực để tạo hình. Phương pháp này khá phức tạp và vẫn cần dùng túi độn bên trong.
Tạo hình quầng và núm vú sẽ được thực hiện sau đó một thời gian khi vú tái tạo đã ổn định. Khi đó, quầng và núm vú sẽ nằm đúng vị trí cân đối so với bên lành.
Tư vấn cho người bệnh sau chụp nhũ ảnh tại BV Vạn Hạnh
từ khóa: ung thư vú, ung thư, ung thu vu, tam soat ung thu, tầm soát ung thư,