Khoa Tai mũi họng bệnh viện Vạn Hạnh rất thường gặp những người bệnh khổ sở với những ổ loét miệng, tái phát từng đợt. Nhìn chung, bệnh không nặng nhưng xuất hiện thường xuyên gây đau miệng, nhất là khi ăn uống, giao tiếp và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh loét miệng tái phát là gì?
Loét miệng được chia làm 3 loại:
1. Ổ loét áp – tơ nhỏ: Rất thường gặp, chiếm 8/10 các trường hợp, với đặc điểm: vết loét nhỏ hình tròn hoặc ô-van, đường kính nhỏ hơn10mm, màu vàng lợt, rìa ổ loét sưng nề, đỏ. Có khi chỉ xuất hiện một ổ loét hoặc có thể nhiều hơn 5 ổ loét xuất hiện cùng lúc, gây đau đớn. Ổ loét thường tồn tại trong vòng 7-10 ngày, sau đó thường tự lành và không để lại sẹo.
2. Ổ loét áp – tơ lớn: ít gặp hơn chiêm tỷ lệ 1/10 các trường hợp. Đường kính ổ loét lớn hơn10mm, có thể tới 2cm đường kính, thường chỉ có 1 hoặc 2 ổ loét xuất hiện cùng một thời điểm. Ổ loét kéo dài 1-2 tuần cho tới vài tháng. Khi lành để lại sẹo gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống
3. Loét miệng dạng Herpes: hiếm gặp, tỷ lệ chiếm 1/10 các trường hợp. Những ổ loét này nhỏ xíu bằng đầu ghim, đường kính khoảng 1-2mm, có nhiều vết loét xuất hiện cùng một thời điểm. Những vết loét này kết hợp với nhau tạo nên một ổ loét lớn có hình dạng bất thường. Thường vết loét này tồn tại khoảng 1 tuần đến vài tháng. Mặc dù tên của bệnh lý này mang tên của herpes, nhưng người ta vẫn chưa xác định được mối liên quan về nguyên nhân với sự hoạt động của herpes virus tại thời điểm diễn tiến bệnh.
Bệnh loét áp-tơ miệng tái phát có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào nhưng tỷ lệ cao nhất là ở khoảng từ 10 tới 40 tuổi. Đặc điểm bệnh là tái phát lại sau ít ngày đến vài tuần hoặc vài tháng, hoặc nhiều năm mới tái lại. Bệnh có chiều hướng giảm theo tuổi già.
Bệnh loét miệng tái phát rất thường thấy trên những bệnh nhân có bệnh Crohn, Coeliac; HIV; Behcet, nhưng những ổ loét ở những bệnh lý này không giống ổ loét của bệnh loét áp-tơ miệng tái phát điển hình, vì thế bệnh nhân cần đi khám bác sĩ khi có những tình trạng loét miệng bất thường, kèm theo những triệu chứng ở những cơ quan khác như loét da, loét cơ quan sinh dục và sưng đau khớp…thỉnh thoảng bệnh nhân bị loét miệng và loét các lỗ tự nhiên trên cơ thể sau khi dùng thuốc gây phản ứng dị ứng thuốc.
Nguyên nhân gây loét miệng
Cho tới nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh. Bệnh cũng không phải do nhiễm trùng, hầu hết các trường hợp không tìm được nguyên nhân liên quan gây ra bệnh lý này và bệnh thường thấy ở trên người khoẻ mạnh bình thường.
Điều trị bệnh loét áp-tơ miệng tái phát
– Mục tiêu của điều trị là giảm đau, điều trị nâng đỡ giúp ổ loét mau hồi phục. Hiện tại chưa có 1 biện pháp hữu hiệu cụ thể nào điều trị phòng ngừa chống tái phát bệnh lý này.
– Trong những trường hợp ổ loét nhỏ , ít đau, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, đôi khi cũng không cần điều trị gì và thường tự khỏi trong vòng 1 tuần.
Điều trị loét miệng
1. Tránh đồ ăn quá chua, cay, quá mặn hoặc quá nóng vì có thể gây kích thích trực tiếp ổ loét, gây đau nặng hơn.
2. Dùng ống hút để ăn uống: mục đích tránh thức ăn, đồ uống đụng vào ổ loét ở phần miệng trước.
3. Dùng bàn chải mềm, tránh trượt bàn chải gây chấn thương, đi khám nha sĩ khi cảm thấy hàm giả không được thoải mái.
4. Cần ngưng hoặc đổi một số thuốc nghi ngờ có liên quan tới bệnh loét áp-tơ miệng tái phát như nicotin nhai hoặc ngậm, đổi thành dạng dán hoặc xịt mũi.
– Một số thuốc làm giảm triệu chứng loét miệng: súc miệng bằng Chlohexidin với tên thương mại là: Corsodyl, Chlorohex, có tác dụng giảm đau giúp lành ổ loét và có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng ổ loét. Những thuốc này không có tác dụng ngăn chặn sự hình thành những ổ loét mới và chỉ dùng súc miệng trong vài ngày. Nếu dùng thường xuyên và kéo dài răng sẽ bị đổi màu thành màu nâu. Tuy nhiên màu răng sẽ trở về bình thường sau một thời gian ngừng thuốc. Và cũng không nên kết hợp với những đồ uống có chất Tannin như trà, cà phê, rượu vang.
– Ngậm corticoides: Những thuốc ngậm có tên thương mại như: Corlan®, Betnisol: tác dụng làm giảm đau và giúp ổ loét mau lành. Viên thuốc được ngậm trong miệng tan từ từ có tác dụng trực tiếp trên ổ loét, cần dùng thuốc sớm và không nên dùng quá 5 đến 7 ngày.
– Những thuốc dán hoặc bột thoa tại chỗ có tác dụng trực tiếp trên ổ loét, bảo vệ ổ loét và giảm đau, các thuốc thường dùng như: Orabase, Orahesive.
– Thuốc giảm đau dùng để súc miệng dạng gel hoặc dạng xịt miệng tác dụng giảm đau nhanh chóng: Benzydamine xịt miệng ( biệt dược là Difflam) hoặc là Cholin Salicylate dạng gel (Bd: Bonjela) chú ý Bonjela không dùng cho trẻ em nhỏ hơn 16 tuổi vì có liên quan tới hội chứng Reye.
– Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ rau xanh và chất dinh dưỡng
Khi nào bệnh nhân cần phải đi khám bác sĩ?
Bệnh loét áp-tơ miệng tái phát gây đau miệng, rất khó chịu, ăn uống khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng đa số các trường hợp là ở mức độ nhẹ, chỉ có một ít trường hợp có thể bị bội nhiễm vi trùng, triệu chứng đau sẽ nặng hơn, ổ loét phù nề, đỏ, bệnh nhân mệt mỏi và kèm sốt có thể cần phải dùng kháng sinh.
Ngoài ra những loại loét miệng khác có thể là biểu hiện của triệu chứng các bệnh lý nặng toàn thân khác.
Điều quan trọng cần ghi nhớ rằng, ung thư miệng có thể khởi đầu bằng 1 ổ loét ở miệng không lành, vì vậy cần đi khám bác sĩ Tai mũi họng hoặc bác sĩ Răng Hàm Mặt nếu thấy xuất hiện ổ loét miệng, kéo dài hơn 2 đến 3 tuần không lành, trong những trường hợp này đôi khi cần phải sinh thiết ổ loét để xác định có ung thư miệng hay không.
Những người dễ bị loét miệng
– Do chấn thương tại chỗ: chẳng hạn như mang hàm giả không phù hợp. Trượt bàn chải khi chải răng, tổn thương niêm mạc miệng.
– Thay đổi nội tiết: một số bệnh nhân nữ xuất hiện loét áp-tơ miệng tái phát trước khi hành kinh và một số trường hợp khác xuất hiện bệnh ở thời kỳ hậu mãn kinh.
– Liên quan tới thuốc lá: một số bệnh nhân xuất hiện bệnh loét áp-tơ miệng tái phát sau khi ngưng hút thuốc.
– Thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin trong đó có B12 và axit folic.
– Một số ít trường hợp được cho là có liên quan tới dị ứng thức ăn.
– Yếu tố gia đình và di truyền: thường bệnh nhân có cha mẹ, anh em ruột cũng bị .
– Stress, tâm trạng lo âu, phiền muộn: được coi là yếu tố kích thích đối với bệnh loét áp-tơ miệng tái phát.
– Một số thuốc dùng được cho là có liên quan như: Nicorandil; những thuốc kháng viêm; những thuốc nicotin dạng gum hay dạng kẹo ngậm để cai thuốc lá…
(Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)