Polyp mũi là u lành thường gặp nhất của vùng mũi xoang, là hậu quả của sự phì đại lành tính của niêm mạc mũi.
Nhìn bề ngoài, polyp mũi có hình dạng giống như chùm nho đính trên cành cây thỏng xuống, bề mặt trơn láng, mọng nước và có màu tái nhạt. Cuống hoặc chân bám của polyp thường xuất phát từ xoang sàng, đôi khi từ xoang hàm hoặc từ xoang bướm.
Polyp mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hiếm khi có ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường xuất hiện sau 30 tuổi, nam có tần suất polyp nhiều hơn nữ. Trẻ nhỏ có polyp mũi coi chừng trẻ mắc bệnh xơ hóa dạng nang (Cystic fibrosis). Người cao tuổi có polyp một bên mũi cần cảnh giác tổn thương ung thư nằm bên dưới bị che đậy bởi polyp.
Có nhiều giả thiết về sự hình thành polyp mũi như: dị ứng, nhiễm khuẩn, thần kinh, diếu tố, tắc nghẽn, tương kỵ thuốc kháng viêm non-corticosteroides (Salicylic Acid, Ibuprofen).
Hen phế quản là bệnh lý thường đi kèm với polyp mũi, ngược lại 15% – 30% bệnh nhân polyp mũi có hen phế quản đi kèm.. Những người bị tình trạng tương kỵ Salicylate (Aspirin) hoặc Ibuprofen có nguy cơ polyp mũi đến 50%.
Triệu chứng thường gặp khi bị polyp mũi là: Nghẹt mũi, ngửi kém hoặc không ngửi được mùi. ¾ số bệnh nhân polyp mũi có các triệu chứng này. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: Xổ mũi, nhảy mũi, chảy máu mũi, chảy nước mũi xuống họng, đau ê ẩm vùng mũi, vùng sọ mặt và ngứa mắt. Biến chứng thường gặp nhất của polyp mũi là viêm xoang nhiễm khuẩn (vi trùng, hoặc vi nấm) do lỗ thông các xoang bị bít tắc bởi các polyp, gây ra sự ứ dịch trong lòng các xoang tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển và gây bệnh.
Cách điều trị Polyp mũi
Điều trị polyp ở mũi nhằm mục đích làm giảm thể tích khối polyp, giải phóng lỗ thông của các xoang khỏi sự tắc nghẽn để tái lập lại đường dẫn lưu bình thường của các xoang vào hốc mũi; có nhiều cách, lựa chọn cách nào là tùy thuộc vào mức độ polyp, tình trạng toàn thân của từng bệnh nhân. Phẫu thuật lấy polyp qua nội soi là phương pháp làm giảm thể tích khối polyp nhanh nhất nhưng có thể tái phát nếu như không tiếp tục theo dõi và điều trị thuốc sau mổ.
Điều trị bằng thuốc chủ yếu là Corticosteroides: đường toàn toàn thân (uống hoặc tiêm) tuy cho hiệu quả nhanh hơn tại chỗ nhưng có nhiều tác dụng phụ và chống chỉ định nên ít được ưa chuộng hơn corticoids tại chỗ (thuốc xịt vào hốc mũi).
Điều trị tại chỗ tuy tránh được các tác dụng phụ nhưng thời gian điều trị thường kéo dài và hiệu quả chậm dễ làm bệnh nhân nãn lòng ,bỏ cuộc và không phải lúc nào cũng thành công. Theo chúng tôi, điều trị polyp mũi nên bắt đầu bằng nội khoa đúng mức, can thiệp phẫu thuật (nên phẫu thuật nội soi) khi không đáp ứng với thuốc và tiếp tục theo dõi – điều trị nội khoa sau mổ để hạn chế tái phát.
Tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh Viện Đa khoa Vạn Hạnh, nhiều năm qua kể từ khi có nội soi và CT Scanner chúng tôi đã phát hiện và điều trị nhiều bệnh nhân bị polyp mũi xoang ở các mức độ khác nhau, thực tiễn cho thấy khi bệnh được phát hiện sớm, điều trị tích cực bao giờ cũng thuận lợi, hiệu quả và ít tốn kém hơn là điều trị muộn khi đã có các biến chứng. Việc điều trị cho bệnh nhân đến muộn thường khó khăn, tốn kém và dễ tái phát hơn. Vì vậy khi có các triệu chứng kể trên nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng càng sớm càng tốt để được các BS Tai Mũi Họng xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng.
Bs.CK2. Cát Huy Quang – Khoa TMH
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
————————————
Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Trên năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
Hotline ..
Website benhvienvanhanh.vn
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh