1. Tổng quan
Nhồi máu cơ tim (NMCT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và suy thận mạn. Ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD), nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng cao do tình trạng viêm mạn tính, rối loạn chuyển hóa calci-phospho và xơ vữa động mạch.
Việc can thiệp điều trị nhồi máu cơ tim ở nhóm bệnh nhân này gặp nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ biến chứng cao, tình trạng vôi hóa mạch máu nặng và ảnh hưởng của thuốc cản quang lên chức năng thận. Gần đây, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã tiếp nhận và can thiệp thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, đánh dấu một thành công trong lĩnh vực tim mạch can thiệp.
2. Trường hợp lâm sàng
Đây là trường hợp của một bệnh nhân nữ, 62 tuổi với các tiền sử bệnh lý sau:
- Suy thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo định kỳ.
- Suy tim.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn lipid máu.
Diễn tiến bệnh:
- Bệnh nhân xuất hiện đau ngực sau xương ức kéo dài khoảng 10 phút, tự hết, không liên quan đến gắng sức trong vòng 2 tuần trước nhập viện.
- Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản tại một cơ sở y tế khác.
- Khi triệu chứng đau ngực tái phát kèm khó thở, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
- Gia đình bệnh nhân từ chối chụp mạch vành do lo ngại nguy cơ suy thận tiến triển nếu sử dụng thuốc cản quang.
- Sau 24 giờ điều trị nội khoa, bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực tái phát, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh để tiếp tục điều trị.
3. Chẩn đoán và đánh giá ban đầu
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đánh giá tình trạng tim mạch và suy thận. Kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy:
- Chức năng thận suy giảm nghiêm trọng: eGFR = 7 ml/phút (bình thường: 90-120 ml/phút).
- Troponin I hs > 25.000 ng/L cho thấy cơ tim đang hoại tử do nhồi máu cơ tim.
- Siêu âm tim:
- Giảm sức co bóp cơ tim.
- Phân suất tống máu (EF) chỉ còn 41% (bình thường > 50%).
- Chẩn đoán xác định: Nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên trên nền suy thận mạn giai đoạn cuối.
Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gia đình đã được tư vấn về phương án chụp mạch vành và đặt stent nhưng lại từ chối và xin điều trị tại nhà vì lo ngại nguy cơ suy thận nặng hơn nếu sử dụng thuốc cản quang để chụp.
Tuy nhiên, sau khi nhập viện tại Bệnh viện Vạn Hạnh, đội ngũ bác sĩ đã tư vấn cặn kẽ về lợi ích của can thiệp sớm và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ suy thận, bao gồm phương án chạy thận ngay sau thủ thuật để loại bỏ độc chất và giảm tải gánh nặng lên thận & tim. Sau khi gia đình bệnh nhân được tư vấn rõ ràng, hiểu rõ tình trạng bệnh lý và nguy cơ đã đồng ý thực hiện can thiệp, thực hiện chụp mạch vành.
4. Can thiệp mạch vành
Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa Tim mạch can thiệp, Thận nhân tạo, Hồi sức tích cực và Gây mê hồi sức, các bác sĩ quyết định tiến hành chụp mạch vành và đặt stent.
Kết quả chụp mạch vành ghi nhận:
- Hẹp 95% đoạn gần động mạch liên thất trước (LAD) – cần đặt stent.
- Mạch vành vôi hóa nặng do bệnh thận mạn lâu năm, gây nhiều khó khăn trong quá trình can thiệp.
Quá trình can thiệp:
- Ban đầu, ekip thực hiện qua đường động mạch quay phải nhưng không thành công do hệ thống mạch vành xơ cứng, xoắn vặn.
- Sau đó chuyển sang đường động mạch đùi, đặt thành công stent vào đoạn LAD hẹp 95%.
Xem thêm: Thuyên tắc phổi: bệnh lý nguy hiểm cần được nhận biết sớm
Cấp cứu thành công ca sốc nhiễm trùng đường tiểu nguy kịch
Những bệnh lý có thể phát hiện bằng phương pháp chụp MRI
5. Kết quả điều trị và theo dõi
- Sau can thiệp, bệnh nhân được lọc máu ngay trong ngày để giảm gánh nặng suy thận và suy tim.
- Tình trạng ổn định dần, giảm triệu chứng đau ngực, không có biến chứng chảy máu hay suy tim cấp.
- Bệnh nhân xuất viện sau 5 ngày điều trị.
Trường hợp của bệnh nhân này là một ca lâm sàng thường gặp trong nhóm người bệnh có nhiều bệnh nền. Việc tầm soát và điều trị sớm bệnh lý tim mạch là vô cùng quan trọng ở những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và suy thận. Đặc biệt, ở những trường hợp bệnh nặng, việc phối hợp điều trị giữa nhiều chuyên khoa, bao gồm tim mạch can thiệp và thận nhân tạo, đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị.
Nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối là một thách thức lớn trong tim mạch can thiệp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, tư vấn rõ ràng cho bệnh nhân và gia đình, cùng chiến lược điều trị cá nhân hóa đóng vai trò quyết định trong thành công điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, với đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, đã giúp bệnh nhân vượt qua biến cố nguy hiểm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua câu chuyện này chúng tôi khuyến cáo quý vị có yếu tố nguy cơ tim mạch cao: hãy theo dõi và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời!
Nguyễn Quốc Bảo
Khoa Nội – Đơn vị Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com