Ngày 30/03/2019 Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh đã thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thành công cho 01 thai phụ đang mang thai tuần 33.
Viêm ruột thừa cấp là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Theo nghiên cứu của Mỹ, tỷ lệ mắc viêm ruột thừa là 1/2000 phụ nữ mang thai. Viêm ruột thừa cấp cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của phẫu thuật vùng bụng trong thai kỳ. Việc chẩn đoán dựa vào lâm sàng gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng có thể nhầm lẫn với các dấu hiệu sinh lý bình thường khi mang thai. Các thăm khám cận lâm sàng cũng khó thực hiện với phụ nữ có thai. Siêu âm bụng là phương án an toàn có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, độ nhạy và độ đặc hiệu này giảm xuống đáng kể trong 3 tháng giữa và thấp hơn nhiều trong 3 tháng cuối thai kỳ. Chụp cắt lớp bụng chẩn đoán viêm ruột thừa trong thai kỳ có độ nhạy là 92%, độ đặc hiệu là 99%.
Nhưng theo nhiều kết quả nghiên cứu, tỉ lệ trẻ sinh ra mắc các bệnh bẩm sinh tăng dần với lượng tia X mà người mẹ tiếp nhận khi mang thai, do đó hiện tại phương pháp này hạn chế áp dụng, chỉ chụp trong 1 số trường hợp thật sự cần thiết và có thảo luận trước với bệnh nhân. Rất khó để chẩn đoán trên cơ sở lâm sàng và nếu can thiệp ngoại khoa chậm trễ sẽ tăng tỷ lệ tử vong đáng kể cho người mẹ và thai nhi. Điều trị chậm trễ hơn 8 giờ sẽ tăng tỉ lệ sinh non lên 17% và tăng tỉ lệ sảy thai lên 4%. Nếu ruột thừa vỡ có 20-35% nguy cơ tử vong của thai nhi so với 1,5% nếu ruột thừa không vỡ . Tỉ lệ bà mẹ tử vong nếu ruột thừa vỡ là 1%.
Do các biến chứng xấu nên can thiệp ngoại khoa nhanh chóng với một ca nghi ngờ ruột thừa viêm trong thai kỳ sẽ tốt hơn nhiều so với để ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc ổ bụng. Trước đây, viêm ruột thừa trên phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thường được mổ hở cắt ruột thừa, tuy nhiên hiện tại phẫu thuật nội soi được chứng minh có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ hở.
Báo cáo ca lâm sàng
Sản phụ Nguyễn Huỳnh L.V. 34 tuổi, nhập khoa Sản Bv Đa khoa Vạn Hạnh với các triệu chứng đau quanh rốn và hố chậu phải, có cơn gò tử cung. Kết quả siêu âm cho thấy: sản phụ mang thai khoảng 33 tuần, hiện thai phát triển bình thường, có viêm thâm nhiễm mỡ vùng gốc ruột thừa. Sau khi hội chẩn các Bác sỹ Khoa Sản, Khoa Ngoại và Khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân được đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Quá trình thực hiện phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do tử cung lớn, phẫu trường hẹp, ruột thừa bị đè đẩy ra sau. Các động tác kỹ thuật phải thực hiện chính xác, tránh tuyệt đối không tác động vào tử cung có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. Ca phẫu thuật thực hiện thành công, bệnh nhân nằm viện sau phẫu thuật 3 ngày, hậu phẫu ổn định, hoàn toàn không có ảnh hưởng tới thai nhi.
Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa có vết mổ nhỏ, sản phụ vẫn có thể sinh thường hoặc sinh mổ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.