Sỏi mật ruột là một bệnh lý ít gặp, xảy ra khi một hòn sỏi túi mật đi vào đường ruột, thường là kết quả của một đường rò giữa túi mật và tá tràng. Khi sỏi mật xuống đường ruột sẽ có nguy cơ gây tình trạng tắc ruột. Tắc ruột do sỏi mật chiếm tỷ lệ 1-4% của tất cả các tắc nghẽn đường ruột. Trong bệnh nhân có sỏi mật chỉ có 0,3-0,5% phát triển sỏi mật ruột. Can thiệp phẫu thuật sớm là phương pháp điều trị chủ yếu.
Chúng tôi báo cáo 1 trường hợp bệnh nhân tắc ruột do sỏi mật được chẩn đoán và điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Báo cáo ca bệnh
Một bệnh nhân nữ, 81 tuổi, tiền sử cao huyết áp và loãng xương có dùng thuốc hàng ngày, vào viện 25/05/2017 với lý do đau bụng. Bệnh nhân đau bụng trên rốn ngày thứ 3, có ói thức ăn và dịch dạ dày. Ở nhà đã tự mua thuốc uống không đỡ.
Khi vào viện, người bệnh tỉnh, không sốt, mệt mỏi nhiều, ói dịch tiêu hóa. Mạch 70 lần/p, HA 160/90 mmHg, thể trạng béo BMI 28,5. Đau bụng thượng vị, bụng trướng mềm, khó thăm khám do thành bụng dày. Quá trình theo dõi bệnh nhân đau bụng cơn, ói dịch tiêu hóa, không đi cầu được. Kết quả chụp Cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy: Dạ dày giãn lớn, tá tràng giãn tới D2, dị vật cản quang vị trí góc Treizt, giãn và có hơi trong đường mật ở trong và ngoài gan.
Bệnh nhân được hội chẩn liên khoa Ngoại – Gây mê hồi sức. Thống nhất chẩn đoán: tắc ruột cao/ BN già yếu, tiền sử tăng huyết áp. Chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Mở bụng kiểm tra có 1 viên sỏi, nằm ở quai đầu ruột non ngay dưới góc Treizt 3 cm, gây tắc ruột hoàn toàn. Tiến hành mở hỗng tràng lấy ra một viên sỏi mật kích thước 4 ×3 ×3 cm, khâu phục hồi quai ruột, kiểm tra có hệ thống từ dạ dày, tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng, đại tràng không còn sỏi, không có bã thức ăn, không có khối u bất thường. Kiểm tra túi mật không viêm, không có đường rò xuống ruột.
Điều trị hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhân không nôn ói, bắt đầu uống nước, ăn cháo, ngày thứ 4 đi cầu phân rắn. Sau 6 ngày bệnh nhân ổn định xuất viện. Tái khám lần 1 sau ra viện 7 ngày, lần 2 sau ra viện 25 ngày bệnh nhân ăn uống tốt, đại tiện bình thường.
Tắc ruột do sỏi mật là một biến chứng ít gặp của bệnh sỏi đường mật. Bệnh này hầu như chỉ xảy ra ở người cao tuổi, chiếm 25% tắc nghẽn ruột non cơ học ở bệnh nhân trên 65 tuổi, tỷ lệ tử vong 12-50%. Bệnh này xảy ra ở nữ giới gấp 3-5 lần nam giới. Triệu chứng lâm sàng của tắc ruột do sỏi mật thường ít có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân. Để chẩn đoán xác định, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng là biện pháp cận lâm sàng có giá trị. Tam chứng X quang cổ điển hay tam chứng Rigler gồm: khí trong đường mật, tắc ruột non và sỏi mật ngoài là đặc hiệu với bệnh này, nhưng chỉ 9-14% bệnh nhân có tam chứng Rigler. Đã có nhiều phương án điều trị được thực hiện như: tán sỏi qua nội soi dạ dày, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật cắt bỏ túi mật cộng với mổ lấy sỏi ruột và sửa chữa lỗ rò. Tuy nhiên phẫu thuật vẫn là phương án hiệu quả nhất trong trường hợp sỏi lớn, dấu hiệu tắc ruột rõ.
Qua trường hợp bệnh nhân này nhận thấy ở những bệnh nhân lớn tuổi có triệu chứng tắc ruột, cần khai thác tiền sử bệnh lý sỏi đường mật để loại trừ nguyên nhân sỏi mật ruột. Để chẩn đoán xác định cần dựa vào tam chứng Rigler trong chụp CT scanner. Can thiệp phẫu thuật sớm là phương pháp điều trị có hiệu quả.