Bệnh nhân nam 61 tuổi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trong tình trạng đau khắp bụng, bụng chướng căng, 4 ngày chưa đi tiêu; bác sĩ thăm khám sờ thấy trong lòng trực tràng 1 khối mật độ mềm, trơn nhẵn.
Người bệnh cho biết trong khoảng 1 tháng nay đau bụng không thường xuyên, đau quặn thành cơn xung quanh rốn lan xuống hạ vị, kèm theo ăn kém, sụt 2 kg/1 tháng, táo bón không thường xuyên, ngoài ra không có đi tiêu ra máu, không sốt, không nôn. Tiền sử bản thân và gia đình đều khỏe mạnh.
Bệnh nhân được nội soi trực tràng – đại tràng, cho thấy hình ảnh 1 u sùi lớn cách rìa hậu môn 8-10cm, dưới u sùi có khối phồng lớn sa xuống phía trực tràng. Chụp CT Scan bụng chậu ghi nhận hình ảnh khối mật độ mô mềm nằm trong lòng trực tràng, gây hẹp lòng trực tràng; các quai đại tràng phía trên giãn mức độ trung bình.
Hình ảnh khối ruột lồng trên CT-Scan bụng chậu với các dấu hiệu đặc trưng.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Dựa trên tình trạng bệnh cùng kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lồng ruột do u đại trực tràng và quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi thám sát ổ bụng. Khi phẫu thuật, bác sĩ phát hiện 01 đoạn đại tràng sigma bị lồng chặt vào trong trực tràng, nguyên nhân là do có 1 khối u trong lòng đại tràng sigma. Bệnh nhân được tháo gỡ đoạn ruột bị lồng, sau đó cắt bỏ đại tràng và mạc treo kèm theo khối u, khâu nối đại tràng với trực tràng.
Hình ảnh khối ruột bị lồng quan sát được qua phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.
Sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục tốt và được xuất viện vào ngày thứ 7 hậu phẫu. Tuy nhiên xét nghiệm giải phẫu bệnh khối u đã cho kết quả là u ác tính: Carcinome biệt hoá vừa, xâm nhập tới lớp cơ.
Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, tuy nhiên bệnh hầu như chỉ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Lồng ruột ở người lớn là bệnh vô cùng ít gặp, chỉ được ghi nhận với tỷ lệ chưa đến 1 ca/ 1300 ca bệnh có phẫu thuật ổ bụng, tỷ lệ 1-5% các trường hợp bệnh nhân tắc ruột. Khác với lồng ruột ở trẻ thường không rõ nguyên nhân, lồng ruột ở người lớn hầu hết là do khối u, nhiều nhất là u ở ruột non và đại tràng, ngoài ra còn do manh tràng di động, viêm hồi manh tràng mạn, viêm hạch mạc treo, có túi thừa meckel.
Đối với lồng ruột ở người lớn, chỉ có phẫu thuật mới giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây bệnh và tránh nguy cơ tái phát. Căn cứ vào nguyên nhân, vị trí lồng ruột và các thương tổn mà bác sĩ sẽ đưa ra 3 phương pháp mổ khác nhau gồm: Tháo lồng (cố định manh tràng), Cắt nửa đại tràng, Cắt đoạn ruột kèm khối lồng.
Khi không được chẩn đoán và điều trị sớm, lồng ruột có thể dẫn tới biến chứng: tắc ruột, viêm phúc mạc bụng, hoại tử ruột, thủng đại tràng, nhiễm trùng nhiễm độc, lan tràn u ung thư trong ổ bụng… gây hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết” Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554 Website: benhvienvanhanh.vn Email: benhvienvanhanh@gmail.com |