Loét dạ dày tá tràng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, chiếm từ 40 – 50% số trường hợp. Loét dạ dày có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến mất máu cấp, trụy tim mạch và đe dọa tính mạng.
Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng
Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng là tình trạng chảy máu tiêu hóa bắt nguồn từ các vết loét, vị trí viêm trên thành dạ dày – tá tràng.
Các vết loét dạ dày hình thành do sự ăn mòn của axit trong dạ dày, vi khuẩn hoặc do sử dụng thuốc chống viêm làm tổn thương lớp niêm mạc, phát triển theo thời gian và ổ loét ăn sâu vào các mao mạch xung quanh vị trí loét gây xuất huyết dạ dày.
Khi bị xuất huyết người bệnh có các triệu chứng như: đau rát vùng thượng vị, đau bụng, buồn nôn, ợ nóng/ợ chua hoặc nôn ói, đi ngoài ra phân đen hoặc đi ra máu sẫm.
Do bị mất máu nên người bệnh cũng sẽ có tình trạng hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, người bệnh có thể đối mặt tình trạng nguy kịch đến sinh mạng do mất máu nghiêm trọng.
Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không
Xuất huyết tiêu hóa trên do loét dạ dày tá tràng là một tình trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ thiếu máu (nếu xuất huyết nhiều) trường hợp mất máu nặng và cấp tính có thể gây chết não và tử vong nhanh chóng. Xuất huyết tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu của một loại ung thư tiêu hóa nào đó. Do vậy, đây là một tình trạng nguy hiểm, người bệnh cần được thăm khám và điều trị càng sớm, càng tốt.
Khi ổ loét không được điều trị sớm thì ngoài nguy cơ xuất huyết tiêu hóa sẽ có nguy cơ gây thủng dạ dày – tá tràng, thậm chí ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh. Vì vậy, cần phải can thiệp điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh để tránh biến chứng hoặc tái phát.
Điều trị xuất huyết dạ dày
Trước khi điều trị bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng nhằm chẩn đoán tình trạng bệnh, vị trí cũng như kích thước của vết loét.
- Nội soi đường tiêu hóa: Xác định chính xác nguyên nhân, vị trí chảy máu, đồng thời qua nội soi có thể xử lý cầm máu bằng cách tiêm xơ, kẹp clip cầm máu, đốt điện cầm máu,…
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân: giúp xác định nguyên nhân gây xuất huyết.
Điều trị xuất huyết dạ dày dựa trên nguyên tắc hồi sức tích cực, nội soi cầm máu, điều trị liền ổ loét.
Bù dịch và truyền máu
Người bệnh bị hạ huyết áp hoặc xuất huyết tiêu hóa nhiều cần được bù lại lượng dịch đã mất thông qua đường tĩnh mạch càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, đối với các trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, người bệnh cần được truyền máu. Tuy nhiên, đối với các trường hợp mắc bệnh mạch vành, suy tim mãn, người cao tuổi, trẻ em, việc truyền máu nên được xem xét cẩn trọng để tránh các biến chứng.
Thuốc
Đối với xuất huyết tiêu hóa, người bệnh được dùng thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch (PPI) để điều trị các triệu chứng do tăng tiết axit dịch vị.
Đối với các trường hợp loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori sử dụng liệu trình kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Cầm máu
Khoảng 80% bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có thể tự cầm máu, song 20% trường hợp còn lại cần có biện pháp điều trị đặc hiệu. Việc điều trị phụ thuộc vào vị trí bị chảy máu và cần được tiến hành từ sớm để giảm thiểu nguy cơ tử vong, đặc biệt ở người cao tuổi.
Các phương pháp cầm máu thường bao gồm:
- Nội soi cầm máu (đốt điện, tiêm xơ, dùng nhiệt, kẹp clip): đối với loét dạ dày tá tràng đang chảy máu hoặc chảy máu tái phát
- Nút mạch hoặc phẫu thuật khâu cầm máu: nếu không thể cầm máu qua nội soi
Trong và sau thời gian điều trị, người bệnh cũng cần chú ý thay đổi một số thói quen sinh hoạt không tốt cho dạ dày như:
- Hạn chế ăn uống thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ; chất kích thích
- Ăn uống điều độ, tránh bỏ bữa
- Ngủ đủ giấc
- Nên bỏ thuốc lá, rượu bia
- Không để đầu óc chịu nhiều căng thẳng, lo lắng
Những điều cần làm để ngăn ngừa bệnh dạ dày tá tràng
Ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe dạ dày, vì vậy nên chú ý các thực phẩm xuất huyết tiêu hóa không nên ăn và nên ăn, cũng như thói quen sinh hoạt tốt giúp bạn kiểm soát tốt các vấn đề dạ dày, ngăn ngừa biến chứng xuất huyết tiêu hóa từ loét dạ dày tá tràng.
- Duy trì tâm lý thoải mái, hạn chế căng thẳng
- Nếu phải sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, hãy đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ
- Ăn chín uống sôi
- Lựa chọn thực phẩm tươi sạch
- Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
- Ăn uống khoa học, không bỏ bữa
- Bỏ thói quen hút thuốc lá
- Rèn luyện thể chất đều đặn để tăng cường sức khỏe tổng thể
Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nghiêm trọng bởi vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại chẳng hạn như ung thư tiêu hóa. Vì thế, khi có các dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa như phân lẫn máu, phân đen, giấy vệ sinh có máu… người bệnh nên đến ngay bệnh viện để thăm khám nhằm sớm phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và điều trị kịp thời.
______________________________________________________
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh