BS.CK1 Phạm Tấn Pháp
Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Theo GOLD 2023 (Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – chiến lược toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), COPD là một tình trạng phổi không đồng nhất được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính như khó thở, ho, khạc đàm và các đợt cấp của bệnh do những bất thường của đường thở (viêm phế quản mạn, viêm tiểu phế quản) và phế nang (khí phế thũng) gây ra tình trạng tắc nghẽn luồng khí dai dẳng.
COPD dường như xu hướng trở nên nặng dần hơn theo thời gian. Ban đầu có thể chỉ là khó thở nhẹ và thỉnh thoảng ho, có thể ho khan hoặc có đàm. Ho kéo dài có thể nhiều tháng đến nhiều năm. Khi ở giai đoạn tiến triển, tình trạng bệnh với ho đàm nhiều, đặc, khó thở tăng hơn và khiến người bệnh phải đến các sơ sở y tế thăm khám. Nhiều trường hợp bệnh nhân khó thở nhiều gây suy chức năng hô hấp, bội nhiễm viêm phổi, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu và đây cũng là lần đầu tiên bệnh nhân phát hiện ra bệnh của mình.
COPD là kết quả của các tương tác gen và môi trường xảy ra trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân, có thể góp phần phá hủy hoặc thay đổi quá trình lão hóa bình thường của phổi. Yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hút thuốc lá và hít phải các hạt hoặc khí độc từ ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra còn có thể có sự tham gia của yếu tố môi trường khác và cả yếu tố cơ địa.
COPD là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, với gánh nặng về kinh tế và xã hội rất lớn và ngày càng gia tăng. Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), trung bình hằng năm có khoảng 3 triệu ca tử vong trên toàn thế giới do COPD. Dự đoán năm 2060, COPD và các bệnh liên quan sẽ dẫn đến hơn 5.4 triệu ca tử vong hàng năm.
Thay đổi bệnh học:
Các kiểu hình của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD trên lâm sàng không đồng nhất do bốn tiến trình bệnh lý chính: Bệnh đường dẫn khí nhỏ, viêm phế quản mạn và tăng tiết đàm nhớt, khí phế thũng, rối loạn chức năng mạch máu.
Cơ chế hình thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguồn: Internet
Khí phế thũng là gì?
Khí phế thũng là sự dãn rộng vĩnh viễn của khoảng chứa không khí phía sau các tiểu phế quản tận do sự phá hủy thành của phế nang. Có 3 loại khí phế thủng được thấy trên phim CT scan bao gồm: khí phế thủng trung tâm tiểu thùy (CLE), toàn tiểu thùy (PLE) và cận vách (PSE). Khí phế thủng trung tâm tiểu thùy là thường gặp nhất và có liên quan chặt chẽ với tiền sử hút thuốc lá. Khí phế thủng toàn tiểu thùy PLE là tổn thương đặc trưng ở bệnh nhân bị thiếu hụt men alpha 1-antitrypsin (AAT). Khí phế thủng cận vách PSE là loại khí phế thủng có liên quan chặc chẽ nhất với sự hình thành các túi khí lớn và tràn khí màng phổi tự phát xẹp đường thở trung tâm thì thở ra. Tuy nhiên những bệnh nhân PSE thường không có triệu chứng, ít liên quan đến suy giảm chức năng phổi và thậm chí hình ảnh PSE có thể tìm thấy ở những bệnh nhân khỏe mạnh không bao giờ hút thuốc lá. Trên người hút thuốc lá, PSE là tổn thương viêm nặng và tổn hại phổi nhiều hơn dạng CLE.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính được xem là một kiểu hình phổ biến của COPD, nhưng đôi khi lại không kèm tắc nghẽn đường dẫn khí. Viêm phế quản mạn là tình trạng ho có đàm kéo dài hơn 3 tháng trong 1 năm và kéo dài trong 2 năm liên tiếp. Chất nhầy đường thở bình thường có dạng gel gồm 97% nước và 3% chất rắn (nhầy, protein, mãnh vụn tế bào, muối, chất béo) có tác dụng bắt giữ vật lạ và tống xuất ra ngoài qua phản xạ ho. Sức khỏe của hệ hô hấp bình thường liên quan đến hiệu quả thanh thải nhầy, khi suy giảm thanh thải nhầy có thể gây ra ho và khó thở. Hút thuốc lá, khói bụi, nhiên liệu sinh khói, khói hóa chất, nhiên liệu sởi ấm, nấu ăn trong nhà và kể cả Trào ngược dạ dày thực quản làm gia tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản mạn.
Chẩn đoán COPD:
Bất kỳ bệnh nhân nào có triệu chứng khó thở, ho, khạc đàm mạn tính đặc biệt là có tiền sử tiếp xúc các yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động), tiếp xúc khói, bụi, hóa chất độc hại nên được đến cơ sở y tế được được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu, hình ảnh học như chụp X quang, CT ngực…đồng thời bệnh nhân sẽ được đo chức năng hô hấp (hô hấp ký) để tầm soát bệnh và chẩn đoán bệnh.
COPD được điều trị như thế nào?
COPD là một bệnh mạn tính, chúng ta không thể nào điều trị dứt điểm tình trạng bệnh được. Mục tiêu điều trị COPD là làm giảm triệu chứng bệnh, tăng khả năng gắng sức, cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh để giảm đợt kịch phát cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Hiện nay, điều trị COPD dựa trên hướng dẫn của GOLD (The Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease) bao gồm điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.
Điều trị không dùng thuốc bao gồm: cai thuốc lá, giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ bệnh (khói, bụi, than, củi, nhang, khí độc..), tiêm ngừa Cúm, Phế cầu, phục hồi chức năng hô hấp.
Điều trị dùng thuốc: được thêm vào tùy theo mức độ triệu chứng, nguy cơ đợt cấp, đáp ứng với điều trị bạn đầu. Nên tảng của điều trị dùng thuốc là các thuốc giãn phế quản và kháng viêm dạng hít, xịt, khí dung. Ngoài ra còn các thuốc hỗ trợ khác.
Tài liệu tham khảo:
Bài giảng Hô Hấp- Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 2024
Tiếp cận điều trị bệnh Nội khoa – Đại Học Y dược TP. HCM 2023
Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, P.12, Q.10, Tp.HCM
Hotline: (+84) 028 3863 2553 – (+84) 028 3863 2554
Website: https://benhvienvanhanh.vn
Email: benhvienvanhanh@gmail.com