Suy giãn tĩnh mạch là triệu chứng phổ biến với khoảng 60% với các bà mẹ trong thai kỳ, gây ra tình trạng đau nhức, nặng nề ở chân cũng như vùng da xung quanh khiến các mẹ bầu cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt thường ngày.
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai là hiện tượng các mạch máu sưng gồ, chằng chịt tạo thành các đường gân xanh, tím tại các vùng da như bắp chân, âm hộ,…Đối với mẹ bầu khi mang thai lần đầu thì tình trạng này sẽ nhẹ hơn, nếu đã bị suy giãn này trong lần mang thai trước đó thì tình trạng trở nên nặng hơn.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng phổ biến xảy ra với các bà mẹ trong thai kỳ
Tại sao lại bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Giãn tĩnh mạch khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường vô hại đối với mẹ và bé. Chúng xảy ra khi tử cung tạo áp lực lên tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch chủ dưới) đưa máu trở lại tim từ bàn chân và chân của bạn. Những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này gồm:
- Thai nhi phát triển lớn chèn ép tĩnh mạch: Khi em bé trong bụng càng phát triển, tử cung lớn lên sẽ chèn ép tĩnh mạch, (đặc biệt là tĩnh mạch chủ dưới) làm tăng áp lực tĩnh mạch dẫn tới giảm lưu thông máu.
- Thay đổi lưu lượng máu: Mang thai là tăng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ để nuôi dưỡng bào thai, làm tăng thêm áp lực cho tĩnh mạch chân.
- Thay đổi nội tiết tố: Lượng progesterone tăng lên khi mang thai dẫn đến tình trạng giãn, sưng các tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch hình sợi hay tĩnh mạch dạng mạng nhện.
- Di truyền hoặc đã suy giãn tĩnh mạch ở những lần mang thai trước: Trong gia đình có tiền sử suy giãn tĩnh mạch, hoặc trong lần mang thai trước đã bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này và tiến triển bệnh nặng hơn.
- Mang đa thai, thừa cân, hoặc thường xuyên đứng trong thời gian dài, đi nhiều (do công việc) sẽ tạo áp lực đối với tĩnh mạch ở chân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Các biểu hiện thường gặp của suy giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch chân xuất hiện những mạch máu sưng gồ lên, chằng chịt và ngoằn ngoèo như những đường gân xanh, tím, xuất hiện trên các vùng da như mặt trong của chân, mặt sau của bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác nữa, thường bắt đầu xảy ra từ tam cá nguyệt thứ nhất và tỷ lệ này tăng lên ở thời điểm gần sinh. Đi kèm là một số triệu chứng khác như:
- Sưng phù ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Đau nhức
- Đau nhói ở chân
- Nặng nề
Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không
Giãn tĩnh mạch khi mang thai có thể ngứa hoặc đau, gây mất thẩm mỹ với những đường gân chằng chịt gồ lên, nhưng nhìn chung không gây hại và sẽ hết sau khi sinh con.
Tuy nhiên, một số ít phụ nữ bị suy giãn tĩnh mạch có thể phát triển các cục máu nhỏ gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông), khiến tĩnh mạch cứng, khu vực xung quanh trở nên đỏ, nóng và đau.
Huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện ở khoảng 0.14 – 1% các trường hợp, có thể xảy ra ở gần cuối thai kỳ hoặc sau khi sinh, huyết khối tĩnh mạch sâu có khả năng xảy ra ở những phụ nữ mắc chứng rối loạn đông máu hoặc thường xuyên nằm trong thời gian dài.
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi do việc di chuyển của cục mau đông từ chân lên phổi gây tắc động mạch phổi dẫn đến đột tử.
Hãy đến tư vấn với bác sĩ nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng quanh khu vực này, chân bị sưng nặng, tĩnh mạch đổi màu hoặc bất kỳ khi nào bạn thấy không yên tâm về tình trạng của mình.
Làm cách nào để giảm các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch thường tự khỏi trong vòng 3 tháng sau khi sinh. Bạn có thể thực hiện một số điều giúp lưu thông máu, giảm thiểu chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai như:
- Kiểm soát tốt cân nặng, không tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh
- Không đứng hoặc ngồi quá lâu, nên thỉnh thoảng di chuyển đổi tư thế, đi lại xung quanh giúp máu huyết lưu thông
- Không ngồi bắt chéo chân
- Gác chân lên bục thấp để chân và bàn chân được nâng lên khi làm việc
- Tập thể dục thường xuyên với sự cho phép của bác sĩ, phù hợp với phụ nữ mang thai
- Nằm nghiêng về bên trái để giảm áp lực với tĩnh mạch
Gác chân lên bục để bàn chân được nâng lên giúp lưu thông máu ở chân
Điều trị và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai
Tùy vào tình trạng suy giảm tĩnh mạch ở mẹ bầu mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, các phương pháp điều trị bao gồm:
- Điều trị nội khoa
- Điều trị ngoại khoa, phẫu thuật
- Điều trị bổ trợ khác
Để có thể điều trị hiệu quả, các phương pháp khác nhau sẽ được kết hợp. Điều trị suy giãn tĩnh mạch ở mẹ bầu chủ yếu dùng tất tĩnh mạch kết hợp với điều trị bổ trợ. Sau sinh, các triệu chứng bệnh sẽ được giảm bớt, bệnh nhân vẫn được điều trị nội khoa kết hợp với các biện pháp hỗ trợ.
Điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật được cân nhắc đối với người mẹ sau sinh vì có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú.
Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai thường không gây nguy hiểm đối với bà bầu. Tuy nhiên, mẹ bầu cần khám thai định kỳ và theo lịch để kịp thời phát hiện các bất thường nếu có, từ đó được điều trị phù hợp.
_________________________________________________________
📥 Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh