Hiện nay, nội soi tiêu hóa có nhiều kỹ thuật như là nội soi tiêu hóa thông thường, nội soi tiêu hóa có tiền mê , nội soi tiêu hóa gây mê. Tuy nhiên nội soi tiêu hóa có tiền mê lại là thủ thuật được lựa chọn nhiều hơn.
Nội soi tiêu hóa có tiền mê là gì?
Nội soi tiêu hóa có tiền mê là thủ thuật làm mất cảm giác đau và cảm giác khó chịu trong khi nội soi dạ dày và đại tràng, giúp thủ thuật nội soi tiêu hóa trở nên nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, giảm thiểu nguy cơ thủng đại tràng khi nội soi đại tràng.
Người bệnh thường được sử dụng thuốc an thần đường tiêm tĩnh mạch và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong quá trình nội soi.
Thời gian tiền mê phụ thuộc vào thời gian nội soi, bệnh nhân thường sẽ tỉnh ngay sau khi kết thúc cuộc soi. Thời gian thủ thuật này thường ngắn, lượng thuốc an thần ít nên không tổn hại đến sức khoẻ.
Nội soi tiêu hóa có tiền mê là một thủ thuật tương đối an toàn và ít rủi ro, điều này giúp ích rất lớn cho bác sĩ và người bệnh biết được một cách chính xác những tổn thương của ống tiêu hóa và giúp cho việc điều trị cũng chính xác hơn, dễ dàng hơn.
Nội soi tiền mê và nội soi gây mê khác nhau như thế nào?
Rất nhiều người sẽ nghĩ nội soi tiền mê và nội soi gây mê là hai phương pháp giống nhau, nhưng thực ra chúng hoàn toàn khác nhau.
Trong nội soi gây mê, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân ngửi thuốc mê qua đường mũi hoặc tiêm thuốc qua tĩnh mạch giúp bệnh nhân mất ý thức tạm thời và mất cảm giác toàn thân. Trong quá trình nội soi, người bệnh sẽ hoàn toàn không biết gì và không cảm thấy đau.
Còn với phương pháp nội soi tiền mê, bác sĩ sẽ chỉ dùng loại thuốc an thần, người bệnh có thể uống hoặc tiêm. Việc này giúp bệnh nhân không còn cảm giác khó chịu, đau đớn khi nội soi.
Những ai nên thực hiện nội soi tiền mê?
Việc bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nội soi tiền mê còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân trong quá khứ và hiện tại. Trường hợp bản thân bệnh nhân hay có người thân có tiền sự dị ứng với thuốc gây mê thì nên sử dụng phương pháp nội soi tiền mê.
- Trạng thái, tâm lý và sức chịu đựng của bệnh nhân.
- Bệnh nhân mắc một số bệnh như: suy hô hấp, suy thận nặng, suy tim…thì nên dùng phương pháp nội soi tiền mê thay cho gây mê.
- Những người già cao tuổi thì nên sử dụng phương pháp nội soi tiền mê.
Quy trình tiến hành nội soi tiền mê
Trước khi tiền mê
Để chuẩn bị cho 1 cuộc nội soi tiền mê, bác sĩ sẽ kiểm ra kỹ tình trạng bệnh nhân trước khi thực hiện nhằm mục đích kiểm tra tiền sử, các bệnh lý liên quan có thể ảnh hưởng đến nguy cơ khi tiến hành thủ thuật và có thể làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác. Người bệnh có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi, tim mạch… cần thông báo cho bác sĩ trước khi tiền hành tiền mê.
Bác sĩ sẽ giải thích rõ về quy trình tiến hành cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân nội soi dạ dày thì cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi nội soi.
- Nếu nội soi đại tràng thì bệnh nhân sẽ được làm sạch đại tràng theo quy trình.
Trong khi tiền mê
Bác sĩ sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch cho bệnh nhân, lựa chọn thuốc, định liều và tiến hành tiền mê.
Sau đó, các bác sĩ sẽ theo dõi quá trình tiền mê qua trạng thái ý thức của bệnh nhân, theo dõi các chỉ số về mạch, huyết áp, oxy trong máu và bắt đầu tiến hành nội soi.
Sau khi tiền mê
Kết thúc quá trình nội soi, bệnh nhân được chăm sóc theo dõi tại phòng hồi tỉnh đến khi tỉnh hẳn. bác sĩ sẽ đánh giá các chức năng ý thức, hô hấp, tim mạch, vận động, cảm giác đau hay khó chịu của người bệnh trước khi quay trở lại phòng khám bệnh tiêu hóa.
Bệnh nhân cần được theo dõi khoảng 1 giờ sau khi tiền mê, người bệnh không được điều khiển xe và vận hành máy trong trong vòng 2 giờ sau khi tiền mê.
Sau khi nội soi: không khạc nhổ, ăn uống trong vòng 30 phút.
Biến chứng của nội soi tiền mê và cách xử lý
Các biến chứng hiếm gặp khi nội soi tiền mê chủ yếu là do tác dụng phụ của thuốc gây mê gây ra như buồn ngủ, buồn nôn, tiền mê kéo dài, tụt huyết áp, ức chế hô hấp,…
Khi gặp các biến chứng này, bác sĩ có thể sẽ áp dụng những các xử trí sau:
- Trong trường hợp bệnh nhân tiền mê kéo dài, các bác sĩ có thể dùng thuốc hồi tỉnh theo từng loại thuốc mê đã sử dụng.
- Khi người bệnh bị ức chế hô hấp, giảm oxy máu, nguyên nhân có thể do ức chế trung tâm hô hấp, co thắt khí phế quản, tắc nghẽn đường thở trên do tụt lưỡi vào… bác sĩ sẽ hướng dẫn hoặc kích thích bệnh nhân thở sâu để cung cấp đầy đủ oxy. Hút đờm dãi, sử dụng thuốc hồi tỉnh, hỗ trợ hô hấp nếu nhịp thở người bệnh không đáp ứng được.
- Do thuốc mê có thể làm giãn tĩnh mạch, gây tụt huyết áp ở những bệnh nhân giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến suy tuần hoàn. Lúc này, bác sĩ sẽ nâng cao chân của bệnh nhân, truyền dịch theo đường tĩnh mạch, dùng thuốc co mạch nếu cần thiết.
(theo Bs. CKI Trần Minh Khôi
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh