Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mạn tính của niêm mạc mũi, gây nên các triệu chứng điển hình như ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhảy mũi và đôi khi không điển hình như: ngứa, chảy nước mắt, ngứa tai, ngứa vòm họng.
Ở Việt Nam ước tính có khoảng 12,3% dân số bị dị ứng mũi – xoang có nghĩa là hàng năm có tới gần 10 triệu người bị viêm mũi dị ứng.
Ðể điều trị viêm mũi dị ứng, trước hết người bệnh nên tránh tiếp xúc các dị ứng nguyên này bằng cách:
Sống ngăn nắp, vệ sinh; giặt mùng, mền, chiếu, gối thường xuyên, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở cửa sổ phòng ngủ cho thông thoáng.2. Hạn chế nuôi chó mèo.3. Không hút thuốc lá.4. Không tiếp xúc với các dị ứng nguyên nghi ngờ gây bệnh như hóa chất, mùi hương, phấn hoa,…
Ðể điều trị bệnh viêm mũi dị ứng, hiện nay thường dùng các loại thuốc:
1. Thuốc kháng viêm xịt mũi (Corticoids xịt tại mũi)
Loại thuốc dùng tại chỗ này được khẳng định là hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi – xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa – nhảy – sổ mũi, đặc biệt là nghẹt mũi và mất mùi. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng phòng cơn tái phát của viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng về lâu dài, hiệu quả của thuốc thường chỉ bắt đầu được cảm nhận sau 3 – 7 ngày sử dụng chứ không làm thông mũi tức thời, do vậy phải sử dụng thuốc với thời gian dài mới hiệu quả. Do không bị hấp thu vào tuần hoàn máu cơ thể, nên các thuốc kháng viêm xịt mũi tỏ ra rất an toàn. Hiện nay trên thị trường hiện có các dạng như: Flixonase (fluticasone propionate),Beconase (beclomethasone propionate)… an toàn cho trẻ em từ 6 tuổi.
2. Kháng viêm dạng uống (Corticosteroids uống)
Khá hiệu quả nhưng ít được ưa chuộng sử dụng do có vài tác dụng phụ (loãng xương, ức chế thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng…), nhất là dùng liều cao và kéo dài lâu dài. Trong trường hợp viêm mũi – xoang nặng, thầy thuốc có thể phải kê toa Corticosteroids uống trong thời gian ngắn ( dưới 7 ngày ).
3. Thuốc kháng histamin
Các loại thuốc uống này rất hiệu quả đối với ngứa, nhảy, sổ mũi do dị ứng; chúng cũng làm giảm ngứa mắt, nhưng không có tác dụng với nghẹt mũi.
Một số thuốc có thể gây buồn ngủ, ảnh hưởng nguy hiểm đến tim mạch, khô miệng, không dùng kèm được với vài loại thuốc kháng sinh ( nhóm Macrolide) và kháng nấm.
4. Thuốc thông mũi
Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay nhỏ mũi, khá hiệu quả trong việc làm thông mũi. Các dược chất thường dùng là Pseudoephedrin và Phenylpropanolamin, đều có tác dụng phụ là làm run rẩy tay chân, hồi hộp đánh trống ngực và bí tiểu ; Phenylpropanolamin có thể gây tai biến mạch máu não mặc dù rất hiếm gặp.
Thuốc nhỏ thông mũi chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày để tránh hiện tượng sinh lý phản hồi có thể xảy ra khi dùng kéo dài: nghẹt mũi nặng hơn khiến bệnh nhân phải gia tăng sử dụng thuốc xịt thông mũi, tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn với hậu quả là viêm mũi mạn do thuốc và nghiện thuốc nhỏ thông mũi, rất khó điều trị. Vì vậy, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khám và nghe chỉ dẫn cụ thể trước khi sử dụng các loại thuốc này.
5. Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu
Phương pháp điều trị này phổ biến ở các nước phát triển, ở nước ta hiện nay chưa phổ biến.
Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh mạn tính, thường tái phát. Nếu người bệnh biết được dị ứng nguyên gây bệnh cho mình và tránh tiếp xúc tuyệt đối thì mới có cơ may khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc này hầu như không thực hiện được trong đa số trường hợp. Khi đã bị bệnh, người bệnh không nên chủ quan cho qua mà nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách. Dùng thuốc phải kiên trì mới mong hạn chế được các tác hại của bệnh.
Bệnh viêm mũi dị ứng có thể đưa đến các biến chứng nặng như viêm xoang mạn tính, viêm thanh quản, viêm tai giữa, làm nặng thêm bệnh suyễn,…
– Ðây là một bệnh mạn tính nên việc dùng thuốc phải kiên trì, không nên tự điều trị.
– Khi sử dụng các loại thuốc nhỏ thông mũi phải có chỉ dẫn của bác sĩ, không dùng quá 7 ngày.
– Corticoid xịt mũi là thuốc hiệu quả nhất trong điều trị viêm mũi dị ứng nhưng phải dùng đúng cách và với thời gian dài mới có tác dụng.
Bs.CK2 Cát Huy Quang – Khoa TMH
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh