Cúm là 1 bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus Influenza gây ra. Bệnh này dễ gây dịch lớn, thường có triệu chứng sốt , ho nhức đầu, đau mình và kiệt sức. Trong đó, biến chủng virus cúm A/H5N1( còn gọi là cúm gia cầm) là một chủng có độc lực mạnh. Nguy hiểm nhất của cúm A/H5N1 là khi lây sang người có thể gây viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến 100%..
Cúm A H5N1 ghi nhận các ca mắc mới có tử vong tại Campuchia, nguy cơ cúm gia cầm có khả năng xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất cao, đặc biệt là tại các tỉnh giáp đường biên giới.
Hiểu được nguyên nhân gây bệnh, cũng như các triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn có biện pháp phòng tránh tốt hơn cũng như phát hiện kịp thời khi nghi ngờ mắc bệnh.
Thông tin về virus cúm A H5N1
H5N1(avian influenza) thuộc nhóm virus cúm A, thường xuất hiện ở chim và gia cầm. Virus cúm lây truyền giữa các loài chim, gia cầm, động vật khác và có thể lây sang cho người, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh có thể gây tử vong.
Lý do chủng H5N1 trở nên nguy hiểm:
- Khả năng đột biến nhanh và chứa các gen từ các loài động vật khác nhau.
- Độc lực cao, có khả năng lây nhiễm và gây bệnh nặng ở người.
- Chim có thể đào thải virus ít nhất là 10 ngày theo đường miệng và phân, do đó làm tăng khả năng lan truyền theo các đàn chim di cư.
- Khả năng lây truyền trực tiếp từ gia cầm, chim sang người.
- Khả năng tái tổ hợp nhiều gen virus cúm ở người và động vật , làm cho virus có thể lây dễ dàng từ người sang người, nguy cơ gây đại dịch ở người.
- H5 là type có độc lực cao, khả năng tồn tại lâu trong môi trường, nhất là trong điều kiện nhiệt độ thấp. Virus có thể bị giết chết ở 56oC trong 3 giờ và 60oC trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodine.
Nhiễm cúm A H5N1 có nguy hiểm không?
Virus A H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao có thể tồn tại lâu trong môi trường, có thể diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, gây tổn thương các phủ tạng quan trọng, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao ở người.
Bệnh cúm khi không được điều trị hoặc điều trị muộn có thể gây ra các biến chứng:
- Tổn thương hệ hô hấp: đây là biến chứng thường gặp nhất khi virus A/H5N1 tấn công vào hệ hô hấp gây suy hô hấp, gây bội nhiễm phế quản – phổi.
- Bội nhiễm Tai – Mũi – Họng dễ mắc ở trẻ em.
- Suy đa tạng: A/H5N1 diễn tiến nặng ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng như thận, gan, não. Số lượng bạch cầu, bạch cầu trung tính giảm mạnh gây suy yếu hệ miễn dịch.
- Các hội cứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra ở các cơ quan khác như đông máu nội mạch rải rác, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim… Người nhiễm virus cũng có thể bị phù não, viêm màng não.
Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp, người bệnh cần đến bệnh viện để khám & có kế hoạch điều trị phù hợp.
Con đường lây nhiễm của cúm A H5N1?
Cúm A/H5N1 có thể lây từ gia cầm, súc vật sang người, từ người sang người qua các đường :
- Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, dịch tiết ở mắt mũi miệng gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh.
- Lây truyền qua không khí thông qua dịch tiết cảu gia cầm trong không khí hoặc bụi từ phân gia cầm
- Tiếp xúc gián tiếp với gia cầm qua dụng cụ và đồ vật nhiễm virus.
- Qua ăn uống thịt gia cầm và trứng chưa được nấu chín.
- Tiếp xúc trực tiếp qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… gia cầm khỏe nhưng đã mang virus A H5N1.
Triệu chứng khi mắc cúm A H5N1
Các dấu hiệu và triệu chứng của A/H5N1 bắt đầu trong vòng 2-7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh
- Sốt cao liên tục trên 38oC.
- Rét run, mệt mỏi.
- Cảm thấy đau đầu, đau cơ, tiêu chảy.
- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
- Đau rát họng, ho, thường ho khan.
Các triệu chứng do A/H5N1 có thể trở nên trầm trọng chỉ sau nửa ngày. Bệnh cúm diễn biến nhanh gây suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm như đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man. Nhiễm A/H5N1 nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
Nên làm gì để chủ động phòng chống cúm A H5N1
Hiện nay vẫn chưa có vaccine đặc hiệu phòng cúm A/H5N1. Các vaccine cúm phòng các chủng virus cúm A, B khác không có tác dụng phòng chống lại cúm chủng A/H5N1. Vì vậy cách để phòng bệnh tốt nhất là chủ động ngăn ngừa tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo đối với bệnh cúm A :
- Không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay sau khi chế biến.
- Không giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc.
- Tuyệt đối không giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh, chết nếu phát hiện phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn phòng ngừa dịch bệnh lây truyền.
- Khi có biểu hiện bệnh nghi ngờ có liên quan đến gia cầm như cúm như sốt cao đột ngột, đau họng, ho khan, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Cúm gia cầm A H5N1 là bệnh diễn tiến nhanh, tiến triển nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì vậy ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ khởi phát bệnh, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
———————————————————————————————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh