Hạ đường huyết nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương não thậm chí các vấn đề khác gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhất là đối với người cao tuổi và người có tiền sử đái tháo đường.
Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu (glucose) giảm xuống quá thấp dưới mức 70 mg/dL (3,9 mmol/l) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose gây nên các rối loạn cho cơ thể.
Các dấu hiệu cho thấy bạn bị hạ đường huyết
Nếu lượng đường trong máu trở nên quá thấp, một số dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Da nhợt nhạt
- Run rẩy chân tay
- Đổ mồ hôi
- Đau đầu, chóng mặt
- Đói hoặc buồn nôn
- Nhịp tim đập nhanh, đánh trống ngực
- Cảm thấy mệt
- Khó chịu hoặc lo lắng
- Khó tập trung
- Suy giảm nhận thức
- Chóng mặt hoặc lâng lâng
- Ngứa ran hoặc tê môi, lưỡi, má
- Lo lắng, bồn chồn
Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Lý do phổ biến nhất gây hạ đường huyết là tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường
Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hạ glucose trong máu là do tác dụng phụ của insulin trong điều trị tiểu đường. Hoặc khi sử dụng quá liều các loại thuốc điều trị thuộc nhóm sulfonylurea kích thích tuyến tụy tiết quá nhiều insulin cũng gây hạ đường huyết.
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ hạ đường huyết nếu có các yếu tố như tiểu đường trong thời gian dài, trẻ em hoặc người lớn tuổi, uống rượu, mắc các bệnh thận và tuyến thượng thận…
Các nguyên nhân hạ đường huyết không phải đái tháo đường
Người không mắc đái tháo đường tình trạng tụt đường huyết ít phổ biến hơn, một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này như:
- Không ăn uống, nhịn đói kéo dài
- Tác dụng của thuốc
- Uống rượu bia quá nhiều: Uống rượu bia mà không ăn có thể cản trở gan giải phóng glucose dự trữ trong máu, từ đó khiến đường huyết của bạn bị giảm.
- Một số bệnh: Các bệnh gan như viêm gan nặng hoặc xơ gan hoặc bệnh suy thận, suy giáp cũng làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này.
- Sản xuất thừa insulin: xảy ra khi có các khối u ở tuyến tụy khiến cơ thể sản xuất quá nhiều insulin, gây tụt đường huyết.
- Thiếu hụt hormone: Một số rối loạn ở tuyến thượng thận hoặc khối u tuyến yên dẫn đến thiếu hụt các hormone quan trọng giúp điều hòa glucose trong máu như GH, cortisol.
Ai có nguy cơ dễ bị hạ đường huyết
Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ sau đây có khả năng dễ bị tụt đường huyết:
- Đang dùng thuốc trị tiểu đường, như là insulin và nhóm sulfonylureas.
- Nghiện rượu bia.
- Đang điều trị viêm gan hoặc bệnh thận.
- Có khối u làm tăng tiết insulin.
- Mắc các bệnh rối loạn nội tiết như suy giáp, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận.
Xử trí cấp cứu hạ đường huyết đột ngột
Mục tiêu điều trị hạ đường huyết là phát hiện sớm, tăng đường huyết an toàn, nhanh nhất nhằm giảm các biến chứng và cải thiện triệu chứng.
Trường hợp bị hạ đường huyết nhẹ, người bệnh cần được cung cấp ngay thực phẩm có chứa glucose qua đường ăn hoặc uống để làm tăng đường huyết lên nhanh đến mức an toàn. Ví dụ:
- 2-3 viên đường glucose
- 1/2 cốc nước hoa quả
- 1/2 cốc nước ngọt (coca cola, pepsi)
- 1 cốc sữa có đường
- 4-5 viên kẹo ngọt
- 1-2 thìa mật ong
- 1-2 quả chuối
- 2-3 cái bánh bích quy…
Sau 15 phút cần đo lại đường huyết. Nếu thấy đường huyết vẫn thấp thì phải bổ xung thêm thực phẩm cho đến khi đường huyết tăng lên 70 mg/L.
Trường hợp bệnh nhân hạ đường huyết nặng có hôn mê, không thể bổ xung bằng ăn hoặc uống, thì cần tiêm ngay 1 ống glucagon (là hormon của tuyến tụy, có tác dụng đối lập với insulin và làm tăng đường huyết) hoặc tiêm tiêm tĩnh mạch 30 – 50 ml các loại đường glucose ưu trương (20-30%).
Tuy nhiên, việc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch cần được thực hiện bởi nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Vì vậy tại gia đình nên bôi mật ong, mứt ngọt vào trong miệng của bệnh nhân, sau đó đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhất.
Làm thế nào để phòng tránh hạ đường huyết
Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng tụt đường huyết, bác sĩ khuyên cả bệnh nhân và người chăm sóc cần tuân thủ hướng dẫn dưới đây:
- Không được bỏ ăn sáng (dù ăn ít hay nhiều) đặc biệt ở những người có bệnh mãn tính, bệnh nền, nằm liệt 1 chỗ hay cơ thể yếu.
- Tuân thủ liều lượng tiêm insulin đúng theo chỉ định của bác sĩ hướng dẫn, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc.
- Chủ động theo dõi lượng đường huyết hằng ngày bằng cách ghi lại chỉ số đường huyết cho những lần theo dõi tiếp theo
- Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
- Tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp với luyện tập, chơi thể thao vừa với sức khỏe của mình.
- Khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi, đánh giá điều trị.
Lượng đường trong máu giảm đến mức nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Chúng có thể dẫn đến co giật và tổn thương hệ thần kinh nếu không được điều trị đủ lâu vì vậy bệnh nhân cần được điều trị sớm nhất có thể.
Việc nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết giúp phát hiện và điều trị nhanh chóng, tránh dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm như: co giật, hôn mê… thậm chí tử vong. Để bảo đảm an toàn, người bệnh đái tháo đường nên đo đường huyết thường xuyên, dùng thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường.
———————————————————————————————–
📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
📞 Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
🌐 Website benhvienvanhanh.vn
🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh