Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý hô hấp phổ biến. Ở Việt Nam ước tính có khoảng 12,3% dân số bị dị ứng mũi xoang có nghĩa là hằng năm có khoảng 10 triệu người bị viêm mũi dị ứng. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cho bạn các phương pháp được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng.
Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là bệnh miễn dịch di truyền, qua trung gian kháng thể IgE, xảy ra khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên. Bệnh tái phát từng đợt hoặc dai dẳng quanh năm gây ra tình trạng viêm mạn tính tại niêm mạc mũi.
Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm có:
- Ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhảy mũi
- Đôi khi kèm theo các triệu chứng không điển hình như: ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa tai, ngứa vòm họng.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc và hệ miễn dịch phản ứng với các vật thể lạ xâm nhập vào đường hô hấp (trong y học gọi là các dị ứng nguyên).
Các dị ứng nguyên đó có thể là phấn hoa, bụi nhà trong đó có thể chứa bào tử nấm mốc, xác và chất thải côn trùng, các sợi bông vải, lông thú cưng (lông chó, mèo…), khói thuốc lá,…
Ðặc biệt trong bụi nhà có con rệp bụi (tên khoa học là Dermatophagoides pteronysinus) phân của nó chứa một chất protein được khoa học chứng minh là dị ứng nguyên chính yếu gây ra đa số ca bệnh viêm mũi – xoang dị ứng và suyễn. Rệp bụi nhà là một vi sinh vật bé nhỏ khoảng 1/3mm, sinh sống trong môi trường ẩm nóng như thớ sợi vải gối, nệm, drap trải giường, thảm nhà và bàn ghế salon phòng khách. Rệp sinh sống nhờ thức ăn chính là các mảnh biểu bì da bị tróc tự nhiên từ con người (ước tính trung bình có hơn 10.000 con rệp trên mỗi giường ngủ).
Chẩn đoán và điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?
Viêm mũi dị ứng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như viêm xoang mạn tính, polyp mũi, viêm thanh quản, viêm tai giữa…
Ðặc biệt đối với bệnh nhân viêm mũi dị ứng kéo dài, tỷ lệ mắc bệnh suyễn cao gấp 3 lần ở người bình thường, còn đối với bệnh nhân đã mắc suyễn nếu không điều trị thì các cơn suyễn sẽ bùng phát nặng hơn.
Chẩn đoán
Ðể chẩn đoán viêm mũi dị ứng, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh của bệnh nhân: có bị hen (suyễn), chàm hay nổi mề đay,.. hay không? Nếu trước đây đã từng bị những bệnh này thì có nguy cơ dễ bị viêm mũi dị ứng.
2 thử nghiệm sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh là:
- Test da để xác định dị nguyên gây viêm mũi dị ứng, tìm kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh, đo lượng IgE toàn phần trong huyết thanh…các xét nghiệm này thường được thực hiện tại các Viện, cơ sở y tế có chuyên khoa miễn dịch dị ứng.
Thực tế, chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh, các triệu chứng này kéo dài hơn một giờ trong một ngày, trong nhiều ngày và xảy ra từng đợt hay dai dẳng.
Điều trị
Ðể điều trị viêm mũi dị ứng, trước hết người bệnh nên tránh tiếp xúc các dị ứng nguyên gây bệnh bằng cách:
- Sống ngăn nắp, vệ sinh, giặt mùng, mền, chiếu, gối, drap giường thường xuyên, lau dọn nhà cửa sạch sẽ, mở cửa phòng ngủ, phòng khách, nơi làm việc, sinh hoạt cho thoáng khí
- Không nên nuôi thú cưng như chó, mèo… trong nhà
- Không hút thuốc lá, thắp hương trong phòng
- Không tiếp xúc với các yếu tố nghi ngờ là tác nhân gây bệnh như hóa chất, hương liệu, phấn hoa, các chất ô nhiễm môi trường không khí (Nitrogen Dioxide, Sulfur Dioxide, Carbon Monooxide, Ozone, Chì, bụi mịn…)
- Các thuốc kháng viêm không steroid, Aspirin có thể gây nên viêm mũi dị ứng tại chỗ (ENTOPY).
Hiện nay, điều trị viêm mũi dị ứng chủ yếu là dùng thuốc, các loại thuốc sau đây thường sử dụng trong điều trị bệnh:
Thuốc kháng viêm xịt mũi (Corticoide xịt mũi)
- Có hiệu quả trong việc điều trị các mức độ của thể dai dẳng và mức độ trung bình đến nặng của viêm mũi dị ứng thể gián đoạn.
- Giảm tất cả các triệu chứng như ngứa – nhảy – sổ mũi, đặc biệt là nghẹt mũi và mất mùi. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng phòng cơn tái phát của bệnh.
- Hiện nay trên thị trường có các loại: Fluticasone Propionate (Meseca, Flixonase), Fluticasone Furoate (Avamys), Budesonide (Benita, Rhinocort Aqua), Mometasone (Nasonex), Beclomethasone Dipropionate (Meclonate), Triamcinolone (Nasacort)… Avamys có thể dùng cho trẻ em hơn 2 tuổi
Tuy nhiên, các thuốc này chỉ có tác dụng về lâu dài, hiệu quả của thuốc thường chỉ bắt đầu được cảm nhận sau 48 đến 72 giờ sử dụng chứ không có tác dụng thông mũi tức thời, do vậy phải sử dụng thuốc với thời gian dài mới hiệu quả. Do ít bị hấp thu vào tuần hoàn máu cơ thể, nên các thuốc kháng viêm xịt mũi tỏ ra rất an toàn.
Corticoid xịt mũi là thuốc hiệu quả và an toàn trong điều trị bệnh nhưng phải dùng đúng cách với thời gian đủ dài sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Kháng viêm dạng uống (Corticosteroids uống)
Khá hiệu quả nhưng ít được ưa chuộng sử dụng do có vài tác dụng phụ (loãng xương, ức chế thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng, tăng đường máu, …), nhất là dùng liều cao và kéo dài.
Trong trường hợp viêm mũi – xoang dị ứng dai dẳng nặng, sử dụng thuốc xịt mũi không có hiệu quả, thầy thuốc có thể phải kê toa Corticosteroids uống trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày).
Thuốc kháng Histamin
Các loại thuốc uống này rất hiệu quả đối với ngứa, nhảy, sổ mũi do dị ứng; chúng cũng làm giảm ngứa mắt, nhưng ít có tác dụng với nghẹt mũi.
Một số thuốc có thể gây buồn ngủ, khô miệng hoặc ảnh hưởng nguy hiểm đến tim mạch, Terfenadine không dùng kèm với vài loại thuốc kháng sinh (nhóm Macrolide) và thuốc kháng nấm.
Vì thế, cần có chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này. Để tránh tác dụng phụ nêu trên, bác sĩ thường chọn các kháng Histamin thế hệ 2 như: Fexofenadine, Desloratadine, Levocetirizine, Rupatadine, Bilastine hoặc sử dụng các kháng Histamin xịt mũi như Azelastin (intranasal) hoặc Azelastin hydrochloride kết hợp với Fluticasone Propionate trong chế phẩm Meseca Fort.
Thuốc bắt đầu tác dụng sau 5 đến 15 phút
Thuốc thông mũi
- Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay nhỏ mũi, khá hiệu quả trong việc làm thông mũi.
- Một số tác dụng phụ của thuốc: Pseudoephedrin và Phenylpropanolamin đều có tác dụng phụ là làm run rẩy tay chân, hồi hộp, đánh trống ngực và bí tiểu; Phenylpropanolamin còn có thể gây ra tai biến mạch máu não mặc dù rất hiếm gặp. Pseudoephedrine không được dùng cho người có tiền căn tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tăng nhãn áp góc đóng…
Thuốc nhỏ thông mũi chỉ nên dùng trong vòng 5 đến 7 ngày để tránh hiện tượng sinh lý phản hồi (phản tác dụng) có thể xảy ra khi dùng kéo dài rất khó điều trị. Vì vậy, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa khám và nghe chỉ dẫn cụ thể trước khi sử dụng các loại thuốc này.
Dùng thuốc gì, dùng như thế nào là tùy theo thể bệnh, mức độ bệnh và tùy theo từng bệnh nhân. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Không có công thức chung điều trị cho mọi bệnh nhân vì “mỗi người vẫn là một người”.
Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh mạn tính, thường tái phát. Nếu bệnh nhân biết được dị ứng nguyên gây bệnh cho mình và tránh tiếp xúc với chúng thì mới có cơ may ít tái phát.
Khi đã bị bệnh, người bệnh không nên chủ quan bỏ qua mà nên đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng cách: Dùng thuốc kiên trì mới mong kiểm soát được bệnh và phòng ngừa các biến chứng. Không nên tự ý điều trị nhất là sử dụng các thuốc co mạch tại chỗ hoặc toàn thân để tránh các tai biến tim mạch. Khi có chỉ định dùng các loại thuốc nhỏ thông mũi phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị về liều lượng và thời gian.
(theo Ths.Bs. Cát Huy Quang
Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)
? Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”
⏱⏱ Trên 2️⃣0️⃣ năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:
? Hotline 0️⃣2️⃣8️⃣.3️⃣8️⃣6️⃣3️⃣.2️⃣5️⃣5️⃣3️⃣
? Website benhvienvanhanh.vn
? Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh